Hòa giải cơ sở góp phần hạn chế khiếu nại, tố cáo

19/07/2023 - 05:40

 - Là “cánh tay nối dài” của chính quyền cấp xã và ban, ngành, đoàn thể, hòa giải viên các tổ hòa giải cơ sở tham gia “gỡ rối”, hóa giải mâu thuẫn lớn nhỏ ở xóm làng, khu dân cư; góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, hạn chế đáng kể khiếu nại, tố cáo.

Gắn bó, nhiệt tình công tác hòa giải

9 năm liên tục tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, anh Phan Văn Nhi (Xã đoàn Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) thường tiếp cận cơ sở, chịu khó học tập, được tổ chức tín nhiệm, chọn làm hòa giải viên. Với trách nhiệm mới này, khi được tin tham gia hòa giải, anh cùng các thành viên dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn; tìm điểm mấu chốt của vụ việc để họp bàn phương án hòa giải, đạt kết quả ngoài mong đợi.

 Nhà bà Nguyễn Thị H. (sinh năm 1968, ngụ ấp Sơn Lập) giáp ranh nhà ông Thiều Ngọc Th. (sinh năm 1964) thông qua con hẻm nhỏ. Để mưu sinh, hàng ngày bà dọn bàn ghế trước sân nhà bán thức ăn buổi sáng. Một thời gian, xảy ra việc bỏ rác bừa bãi và nguồn nước thải ảnh hưởng đường đi, nhà ở nên bị ông Th. phản ánh, khiếu nại.

Được tin, anh Nhi cùng đoàn hòa giải mời hai bên giải thích, phân tích, bà H. đồng ý chuyển ra phía sau để bán. Sau đó, vụ việc tiếp tục bị khiếu nại, đoàn hòa giải thêm một lần đi “tìm thuốc trị”. Lần này, anh Nhi mổ xẻ sự việc, nói tình làng nghĩa xóm, vận động, thuyết phục kiểu “mỗi bên chịu một nửa thiệt thòi” nên 2 người đi đến đồng thuận. Nhờ đó, bà H. được tiếp tục kinh doanh.

Cuộc hòa giải cơ sở (giả định)

Không riêng vụ bà H. - ông Th., hòa giải tranh chấp ranh đất kéo dài giữa ông Nguyễn Thanh H. (56 tuổi, ngụ ấp Sơn Tân) với ông Nguyễn Duy H. (70 tuổi, ấp Sơn Lập) được cho là một kết quả tốt. Hòa giải lần đầu, đoàn công tác giải thích, phân tích, đưa ra các cơ sở, thực địa vị trí đất, nhưng hai bên đều phủ nhận việc lấn ranh, phản đối gay gắt.

Cuối cùng, tổ hòa giải mời người biết rõ sự việc, địa chính xã, tham vấn cán bộ chuyên môn và trích lục hồ sơ đất, chỉ ra việc trước sau đo đạc không ai bị mất đất. Đến lúc này, hai bên đồng ý bắt tay...

Ở tuổi 31, anh Nhi tham gia hòa giải 178 vụ, việc, 98 vụ hòa giải thành, nhiều năm là hòa giải viên giỏi, nhiều lần được biểu dương, khen thưởng. Ngày 30/6, tại hội thi “Hòa giải viên giỏi” lần thứ 6/2023 tỉnh An Giang, anh Nhi góp phần đưa huyện Thoại Sơn đoạt giải ba tại hội thi. Anh là một trong hàng trăm hòa giải viên được đánh giá cao, góp phần đưa việc hòa giải ở cơ sở khởi sắc.

Tiếp tục nâng chất 

Theo Sở Tư pháp An Giang, toàn tỉnh có 879 tổ hòa giải cơ sở, với hơn 5.285 hòa giải viên, lực lượng hòa giải viên giỏi tăng về số lượng và chất lượng chuyên môn. Đặc biệt, qua từng năm, công tác hòa giải được nâng chất, tỷ lệ hòa giải thành từ 90% trở lên, góp phần giải quyết mâu thuẫn lớn nhỏ, tranh chấp, khiếu nại, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng, giảm khiếu kiện vượt cấp. Cụ thể, 6 tháng năm 2023, toàn tỉnh tiếp nhận 1.057 vụ việc hòa giải. Trong đó, đội ngũ hòa giải viên đã “hóa giải” 983 vụ (hơn 90,5%), so cùng kỳ năm 2022 tăng 2,9%.

Để tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở tiếp tục tăng, trước hết phải có sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, ngành chuyên chuyên môn và kiện toàn tổ hòa giải cơ sở, hòa giải viên cơ sở, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, thành phần. Mạnh dạn thay người “hòa giải cho có”, bổ sung người có uy tín, am hiểu pháp luật, có khả năng phân tích, giải thích pháp luật tham gia vào công tác hòa giải. Trong đó, cần xây dựng mô hình hòa giải phù hợp trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Chăm...

Đặc biệt, lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở với phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Trong sơ, tổng kết công tác hoà giải ở cơ sở hàng năm, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích, phát hiện cách làm hay, nơi hoạt động có hiệu quả để nhân rộng.

 Giám đốc Sở Tư pháp An Giang Cao Thanh Sơn cho biết, xác định phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong cộng đồng là công tác quan trọng, thường xuyên, đối với hòa giải viên ở cơ sở có ý nghĩa thiết thực. Hàng năm, đơn vị chủ trì, phối hợp nhiều đơn vị triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên, chất lượng hòa giải ở cơ sở được nâng lên rõ rệt.

Để công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả cao, hòa giải viên coi những mâu thuẫn vừa là việc của người, nhưng cũng là việc giữa gia đình mình với hàng xóm "tối lửa tắt đèn" có nhau. Các vụ việc xảy ra ở cơ sở rất đa dạng, hòa giải viên ngoài tích lũy tình huống vụ việc mình trải qua, cần củng cố, nâng chất kiến thức pháp luật, thực hiện theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.

NGUYỄN RẠNG