Hoa Kỳ giúp nông dân ứng dụng phần mềm quản lý thức ăn chăn nuôi

28/02/2020 - 14:02

Hôm qua (27/2), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp giới thiệu kết quả thực hiện Dự án tăng cường năng lực cho chương trình chiến lược phát triển phát thải thấp.

Đây là dự án hợp tác giữa Bộ NNPTNT Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhằm cung cấp các khuyến nghị về khẩu phần thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ mục tiêu phát triển phát thải thấp cho ngành bò sữa Việt Nam triển khai từ năm 2012.

Quản lý thức ăn chăn nuôi bằng phần mềm

Việt Nam có nhiều loại thức ăn thô xanh, thức ăn theo mùa và theo vùng, thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò sữa và các loại gia súc ăn cỏ khác, nhưng việc quản lý thức ăn chăn nuôi vẫn còn nhiều bất cập khiến giá thành chăn nuôi cao. Ảnh: Trang trại chăn nuôi bò sữa huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc)

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, với đàn vật nuôi tăng nhanh trong thời gian qua, lượng chất thải rắn thải ra từ chăn nuôi cũng tăng liên tục, cụ thể từ 2014-2018 lần lượt là 58, 60, 65, 61 và 63 triệu tấn. Tuy nhiên, việc xử lí chất thải chăn nuôi còn nhiều bất cập, năm 2016, chỉ có 53% hộ chăn nuôi (tương đương 2,2 triệu hộ) áp dụng biện pháp xử lý chất thải và 41% trang trại (tương đương 8.672 trang trại) có kế hoạch bảo vệ môi trường, xử lý chất thải.

Tuy nhiên cũng chỉ có khoảng 20% lượng chất thải sau xử lý đi đến sản phẩm cuối cùng và được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân bón, nuôi giun, cho cá ăn…).

Trong khi đó, chăn nuôi đang đứng thứ 2 về phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 32%). Đứng trước thách thức về tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, Bộ NNPTNT đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp Mỹ triển khai dự án tăng cường năng lực cho chương trình chiến lược phát triển phát thải thấp.

Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, dự án đã triển khai nhiều hợp phần nâng cao năng lực cho các chuyên gia chăn nuôi, cán bộ khuyến nông và xây dựng phần mềm quản lý thức ăn chăn nuôi dựa trên cơ sở dữ liệu do Đại học California (Mỹ) xây dựng. Ban đầu, dự án tập trung vào các mô hình chăn nuôi bò sữa, bò thịt thông qua hệ thống cải tiến thức ăn, từ đó đánh giá lượng phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị sữa hoặc thịt.

“Phần mềm đã được dịch sang tiếng Việt, hiện được Bộ NNPTNT cung cấp miễn phí trên website của Cục Chăn nuôi, bà con có thể tải về sử dụng” - ông Chinh cho hay.

 

Chị Lương Thị Đoan ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) chế biến thức ăn cho đàn bò sữa. Ảnh: Tiến Chương

"Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang tích cực phối hợp với các đơn vị lan toả dự án này ra nhiều địa phương, giúp bà con nông dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng phần mềm quản lý thức ăn chăn nuôi, ngoài ra có thể tiến tới chia sẻ phần mềm này cho nông dân các nước trong khu vực Asean”.

Bà Hạ Thuý Hạnh

Bà Hoàng Thị Thiên Hương - chuyên viên Phòng Gia súc lớn (Cục Chăn nuôi) cho biết, phần mềm PC Dairy VN 2019 bao gồm máy tính toán phát thải khí nhà kính, với cơ sở dữ liệu thức ăn quốc gia đầu tiên cho Việt Nam gồm hơn 1.100 loại thức ăn thô xanh (bao gồm thức ăn thô xanh có sẵn trên thị trường quốc tế, nguồn thức ăn có sẵn theo mùa, theo vùng tại Việt Nam).

Đã có khoảng 400 cán bộ khuyến nông, chuyên gia chăn nuôi và gần 4.000 sinh viên ngành chăn nuôi được đào tạo cách sử dụng phần mềm này. Thực tế phần mềm rất dễ tiếp cận, có thể tải về máy tính và dễ dàng sử dụng.

“Từ phần mềm, người chăn nuôi sẽ chọn được loại thức ăn tốt nhất, rẻ nhất cho bò sữa hoặc vật nuôi, ước tính được giá trị dinh dưỡng của khẩu phần, ước tính được sản lượng sữa có thể thu được. Đặc biệt, phần mềm này sẽ giúp người chăn nuôi tính được khí metan phát thải ra từ con bò” - bà Hương cho hay.

Hỗ trợ nông dân chăn nuôi bài bản

Chia sẻ thêm về dự án, bà Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, dự án thiết kế ban đầu phục vụ 2 nhóm đối tượng là sản xuất lúa và chăn nuôi, với 2 mô hình ở Thái Bình và Cần Thơ. Đây là lần đầu tiên bà con nông dân 2 địa phương hiểu thế nào là khí nhà kính, vì sao trồng lúa, nuôi bò lại phát thải metan, vì sao phải đếm lượng nước để đo khí thải…

Qua đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục triển khai dự án trình diễn tại 4 tỉnh, tổ chức 8 hội thảo cho 273 đơn vị khuyến nông, nhà sản xuất và chuyên gia chăn nuôi…

“Người dân sử dụng phần mềm có thể tự cân đối thức ăn tại chỗ như lúa, ngô, thân cây rau đậu, bã mía…, giảm mua thức ăn tinh so với sử dụng thức ăn “tù mù” như trước đây. Đặc biệt là sử dụng thức ăn hợp lý sẽ giúp con bò giảm việc nhai lại, giảm thải phân, nước tiểu ra ngoài mà vẫn đảm bảo tăng trọng, giảm chi phí chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế việc đưa phần mềm này tới tay người nông dân rất khó vì tâm lý ngại thay đổi, bà con quá quen kiểu cho ăn truyền thống. Do đó, chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ nhiều hơn từ Cục Chăn nuôi, Đại sứ quán Mỹ nhằm giúp bà con nông dân thấy được lợi ích từ việc giảm phát thải, bán được carbon từ việc họ áp dụng công nghệ, chăn nuôi bò an toàn” - bà Hạnh đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Tống Xuân Chinh cho rằng, hiện phần mềm này thích hợp với đối tượng là trang trại chăn nuôi lớn, chuỗi liên kết, hợp tác xã hoặc ở những nơi có máy trộn thức ăn. Nông hộ chăn nuôi nhỏ rất khó ứng dụng vì tốn kém nguồn lực đầu tư.

“Theo tính toán, sản xuất 1kg thịt bò theo phương pháp truyền thống sẽ phát thải ra môi trường hơn 295kg khí CO2 quy đổi. Muốn người chăn nuôi áp dụng phần mềm thì chúng ta phải có cơ chế giá nhằm tiến tới nền sản xuất carbon thấp, thậm chí không carbon. Do đó chúng tôi kiến nghị cần đưa cơ chế giá carbon thấp vào kế hoạch, chiến lược của ngành nông nghiệp” - ông Chinh nói.

Ông Benjamin Petlock – Tuỳ viên cao cấp nông nghiệp (Đại sứ quán Mỹ) cho biết: Dựa vào phần mềm này, chúng tôi kỳ vọng ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn. Trong năm 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng tài liệu tập huấn, tiếp cận cộng đồng, chia sẻ bài học kinh nghiệm, củng cố mô hình để đưa vào hệ thống chính sách, các chương trình chống biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Theo MINH HUỆ (Dân Việt)