Hội thảo tổng kết mô hình trình diễn sử dụng phân bón hữu cơ PAN

16/07/2024 - 14:57

 - Ngày 16/7, tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Hòa (xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang) tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trình diễn sử dụng phân bón hữu cơ PAN.

Tham quan ruộng trình diễn sản phẩm phân bón lá hữu cơ PAN tại xã Vọng Đông

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham quan ruộng trình diễn; nghe báo cáo kết quả thực hiện mô hình trình diễn sản phẩm phân bón lá hữu cơ PAN trên cây lúa tại xã Vọng Đông; các giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới; đồng thời trao đổi những thắc mắc xoay quanh việc sử dụng sản phẩm phân bón lá hữu cơ PAN trên cây lúa.

Vụ hè thu năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang đã phối hợp Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang thực hiện mô hình trình diễn sản phẩm phân bón lá hữu cơ PAN trên cây lúa tại xã Vọng Đông, nhằm giảm chi phí trong quá trình canh tác lúa.

Mô hình được thực hiện tại 4 điểm ở ấp Sơn Hòa, gồm: Điểm 1, chủ hộ là ông Phan Thành Bắc, diện tích 4 ha, mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN 3 ha, đối chứng 1 ha; điểm 2, chủ hộ là bà Tạ Thị Hiền, diện tích 2,3 ha, mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN 2 ha, đối chứng 0,3 ha; điểm 3, chủ hộ là ông Phan Văn Út Chót, diện tích 1,7 ha, mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN 1,5 ha, đối chứng 0,2 ha; điểm 4, chủ hộ là ông Phan Văn Dũng, diện tích 2,3 ha, mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN 2 ha, đối chứng 0,3 ha.

Qua bảng tổng hợp 4 điểm của các hộ nông dân cho thấy, ruộng trình diễn sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN, các chỉ tiêu điểm mô hình đều cao hơn so với ruộng đối chứng không sử dụng phân bón PAN. Tuy lượng phân bón vô cơ giảm từ 10-20%, nhưng năng suất vẫn đạt, hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng đối chứng.

Hội thảo kết luận, sản phẩm phân bón lá hữu cơ PAN do Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa giúp cho lá lúa không quá xanh, nên mức độ nhiễm sâu bệnh thấp, cứng cây, bộ rễ lúa phát triển mạnh hạn chế đổ ngã, hạt vào chắc tốt hơn, góp phần tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm chi phí cho nông dân.

PHƯƠNG LAN