Giải trình cuối phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng 1/11, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề cập đến một số vấn đề các Đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có sách giáo khoa và việc thiếu giáo viên.
Số giáo viên nghỉ việc tiếp tục tăng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, hiện cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên và tiếp tục gia tăng không ngừng. Nguyên nhân một phần là do số trẻ đi học tăng lên nên yêu cầu về giáo viên cũng tăng. Ví dụ riêng tại Bình Dương, trong năm học mới đã tăng 35.000 học sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình sáng nay.
Bên cạnh đó, tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục tăng. Tính đến tháng 9, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện nay các tỉnh vẫn còn 64.000 chỉ tiêu chưa dùng.
“Còn nhiều lý do, có nơi dành để trừ vào 10% cắt giảm, nếu cần có sẵn để trừ. Nhưng cũng có những nơi không có nguồn để tuyển”, Bộ trưởng nói.
Chẳng hạn với giáo viên mầm non, nhiều tỉnh có nguồn nhưng không có người ứng tuyển. Lý do là bởi công việc của giáo viên mầm non áp lực nhưng lương thấp. Theo Bộ trưởng, đây cũng là vấn đề rất lớn cần phải có giải pháp phù hợp, trong đó có điều chỉnh về lương, chế độ, chính sách, nhà công vụ, phụ cấp ưu đãi và các giải pháp đồng bộ khác.
Đã chi 395,2 tỷ cho đổi mới giáo dục
Về vấn đề sách giáo khoa SGK, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, số tiền chi cho đổi mới giáo dục tính đến nay là 213.449 tỷ đồng. Nhiều người băn khoăn trước con số này, nhưng thực tế đó đã bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.
Riêng chi cho đổi mới giáo dục, bao gồm việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, việc thẩm định SGK, việc tập huấn cho giáo viên toàn quốc… tính đến nay là 395,2 tỷ đồng.
Trước ý kiến của đại biểu quan tâm đến việc giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK riêng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng của các SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 thật tốt, đảm bảo đủ SGK trước năm học mới.
“Với vấn đề được giao, chúng tôi sẽ có nghiên cứu đề xuất và cố gắng trong một, hai năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất, sẽ có những đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội sau”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin.
Theo Vietnamnet