Hơn 400 mô hình kinh tế nuôi con đặc sản, trồng rau quả an toàn đem thu nhập cao cho nông dân Hải Dương

06/05/2021 - 08:21

Từ những mô hình hiệu quả, đến nay các cấp Hội ND trong tỉnh Hải Dương đã xây dựng, được 418 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có các mô hình nuôi con đặc sản, trồng rau, củ, quả an toàn mang lại thu nhập tốt cho nông dân.

Nhiều mô hình đã cung cấp sản phẩm có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao như rau an toàn xã Lê Lợi (Gia Lộc), cam VietGAP ở Thất Hùng (Kinh Môn), ổi, rau VietGAP Liên Mạc (Thanh Hà).

Hơn 400 mô kinh tế tập thể hiệu quả ở Hải  Dương - Ảnh 1.

Mô hình trồng rau an toàn của nông dân trên địa bàn huyện Gia Lộc (Hải Dương). Ảnh: T.H

Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại xã Lê Lợi (Gia Lộc) được thành lập năm 2018 với 21 hộ hội viên tham gia, vùng sản xuất rau an toàn rộng 5ha. 

Hội ND tỉnh, Hội ND huyện Gia Lộc và Hội ND xã Lê Lợi đã tích cực giới thiệu các đầu mối cung ứng giống rau chất lượng tốt, phân bón NPK trả chậm, phân bón sinh học cho các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh hỗ trợ về bao bì, nhãn sản phẩm rau an toàn gắn với tên từng chủ hộ trong tổ liên kết.

Định kỳ hàng tháng và trong các thời điểm thời tiết, sâu bệnh diễn biến phức tạp, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội ND tỉnh phối hợp với Hội ND huyện và cơ sở tổ chức các buổi sinh hoạt, cung cấp thông tin kỹ thuật, tạo cơ hội để các thành viên mô hình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.

Dưới sự đồng hành hỗ trợ của Hội ND, Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại xã Lê Lợi hoạt động ngày càng hiệu quả. Sau 2,5 tháng sản xuất rau an toàn, mỗi hộ thành viên thu lãi hơn 29 triệu đồng. 

Phát huy kết quả đạt được, đến nay Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại xã Lê Lợi tích cực mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các tiến bộ KHKT trồng rau an toàn và các thành viên có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Từ những mô hình hiệu quả, đến nay các cấp Hội ND trong tỉnh Hải Dương đã xây dựng được 418 mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, trong đó nhiều mô hình nuôi con đặc sản.

Điểm đáng chú ý, các mô hình kinh tế tập thể này đều thể hiện rõ vai trò của Hội như: tạo nguồn vốn cho các thành viên từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và các ngân hàng; tổ chức dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật; xây dựng các CLB; tổ chức tham quan, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn giới thiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Cùng với xây dựng các mô hình hiệu quả, các cấp Hội quản lý 15 nhãn hiệu tập thể cho nông sản đặc trưng vùng, trong đó có nhiều nhãn hiệu về nuôi con đặc sản. Hội đã thực hiện 3 dự án thuộc Đề án "Xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp sản xuất và tiêu thụ rau an toàn giai đoạn 2020-2023" và xây dựng 4 mô hình "Nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình" tại 4 xã trên địa bàn tỉnh

Theo bà Phạm Thị Thủy- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương, thông qua việc thành lập tổ liên kết, Hội ND các cấp giúp hội viên thay đổi nhận thức, thói quen trong canh tác, hợp tác sản xuất nông sản an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ những mô hình nhỏ hướng tới nhân rộng mô hình, xây dựng các vùng nông sản an toàn quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức hội, giúp hội viên thêm gắn bó với Hội.

Bên cạnh các mô hình trồng rau, củ, quả an toàn, các mô hình kinh tế tập thể còn phát triển mạnh ở lĩnh vực nuôi con đặc sản ở tỉnh Hải Dương

Theo THU HÀ (Dân Việt)