Năm 2008, Tập đoàn Nam Việt ký kết văn bản hợp tác kinh tế với Cục Nguồn lực dự trữ lương thực TP. Moscow (Liên bang Nga)
Dấu ấn năm 2023
Mục tiêu này thể hiện quyết tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), cơ quan quản lý Nhà nước, như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, UBND TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre… Bởi, cá tra hiện nằm trong bộ sản phẩm chủ lực của quốc gia.
Năm 2023, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, kinh tế suy thoái, người dân các nước phát triển hạn chế chi tiêu, sản lượng cá tra xuất khẩu vào 4 thị trường chính giảm đáng kể. Dù vậy, với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, nỗ lực của toàn ngành, sự hỗ trợ hiệu quả của cán bộ tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài; sự phối hợp chặt chẽ giữa Hiệp hội Cá tra Việt Nam với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), UBND các tỉnh, thành phố có nuôi cá… sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục chinh phục thị trường 146 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Từ đó, mang kim ngạch về cho quốc gia 1,8 tỷ USD. “Tuy khó khăn chồng chất, nhưng chúng tôi vẫn duy trì sản xuất. Tại nhà máy, công nhân luân phiên nghỉ, duy trì hoạt động để có đồng lương, chờ kinh tế phục hồi. Mọi chi phí không cần thiết đều được cắt giảm…” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.
Cá tra Việt Nam được xác định là loại thực phẩm cần thiết trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng thế giới, bởi vừa rẻ, vừa ngon, giá cả hợp lý. Bình quân giá xuất vào thị trường Hoa Kỳ năm 2023 đạt 3 USD/kg. Ngoài mặt hàng chủ lực là cá tra phi-lê, các sản phẩm phụ (bong bóng cá tra phơi khô, chả, cá tra ướp thì là…) được thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore ưa chuộng.
“Kỳ vọng của ngư dân trong năm 2024 là giá cá nguyên liệu được cải thiện, người nuôi có lời. Nhà nước có cơ chế kiểm soát giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản, kiểm soát môi trường, lĩnh vực xuất khẩu… để người tham gia ngành hàng hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, rủi ro từ thị trường, biến đổi khí hậu, từ thay đổi xu hướng tiêu dùng, từ sự cạnh tranh giữa các nước có nuôi cá tra trên thế giới” - ông Trần Văn Tuấn (ngư dân xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) kiến nghị.
Nỗ lực năm 2024
Mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD đề ra có nhiều việc cần phải làm, trước hết là vấn đề thị trường. Ngoài thị trường thế giới, DN cần phát triển thị trường nội địa qua sản phẩm cá tra tươi (nguyên con hoặc cắt khúc), cá tra đông lạnh và các sản phẩm giá trị gia tăng ở phân khúc chợ truyền thống, nhà hàng, quán ăn; bếp ăn trong khu công nghiệp, phục vụ người tiêu dùng nội địa.
Cần tập trung hơn nữa cho việc xây dựng thương hiệu mạnh, chiến dịch tiếp thị nhằm tăng cường sự hiện diện, uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm cá tra thông qua triển lãm, hội chợ quốc tế, xây dựng mạng lưới đối tác và khách hàng trong, ngoài nước. Từ dung lượng của thị trường, chúng ta sẽ tính toán lại sản lượng nuôi phù hợp, “cung - cầu cân đối”.
Trong tổ chức sản xuất, cần tiếp tục tạo điều kiện cho DN có nguồn vốn duy trì, phục vụ và phát triển sản xuất. Đây là nền tảng quan trọng giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn - trong thời gian chờ kinh tế thế giới phục hồi, phát triển trở lại.
Đẩy mạnh phát triển khu nuôi trồng cá tra mang tính hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu suất sản xuất và chất lượng sản phẩm. Cần có quy trình quản lý chặt chẽ, đảm bảo sự an toàn và tuân thủ tiêu chuẩn về môi trường trong nuôi trồng.
Tiếp tục củng cố hệ thống quản lý chất lượng, nhằm đạt được sự tin tưởng của khách hàng, thông qua tiêu chuẩn quốc tế (ISO, HACCP và ASC... bao gồm quy trình kiểm soát chất lượng từ khâu nuôi con giống, chế biến, đóng gói và vận chuyển). Đẩy mạnh đầu tư khoa học - công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; tăng cường hợp tác nội ngành và quốc tế để chia sẻ thông tin giữa DN, người nuôi với cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2023, bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2024 (tổ chức tại tỉnh An Giang), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án, nhiệm vụ nghiên cứu về chọn tạo tính trạng cá tra theo nhu cầu thị trường; thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, lưu thông, sử dụng kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý cải tạo môi trường để thúc đẩy sản xuất phát triển.
MINH HIỂN