Hương ký ức

14/11/2021 - 08:05

Xưa, người miền Bắc, nhất là người Hà Nội, ưa dùng các loài hoa có hương để dâng cúng lên thánh thần, tổ tiên; hoặc để trong phòng khách, khiến căn phòng được "ướp" mùi hương thanh nhẹ. Không mấy ai không có kỷ niệm về bà, về mẹ cùng những loài "hoa tâm linh". Những tưởng có những lúc, cái lề lối sinh hoạt ấy phôi pha. Nhưng giờ, có những bạn trẻ tiếp tục gìn giữ "hương ký ức", và tái sinh thành những tác phẩm hoa tinh tế, để nối lại một nét đẹp sinh hoạt xưa.

1. Băng Giang đang cùng các bạn sắp một mẹt hoa cho người đi lễ. Cô cẩn trọng cắm chùm hoa cau vào miếng xốp ẩm ở chính giữa chiếc mẹt tre. Năm bông sen quan âm "quây quần" chung quanh, vừa tạo điểm tựa cho những bông hoa khác. Có điểm tựa rồi, hoàng lan, ngọc lan lại được sắp xếp khéo léo ngay dưới chân chùm hoa cau. Cuối cùng, một vòng hoàng lan chạy quanh mẹt hoa, làm nền cho sen quan âm và những bông hoa khác. Cô đặt mẹt hoa lên chiếc mâm bồng phủ sơn ta đỏ thẫm. Chỉ ít phút nữa, tác phẩm mẹt hoa này được đem đi dâng cúng trong những nghi thức tâm linh. "Những mẹt hoa được khách hàng dâng cúng lên Phật, lên Thánh, lên tổ tiên… Bởi thế, bản thân người làm cũng phải bằng tấm lòng thành. Mùa hoàng lan sắp hết. Mà hoàng lan "khái tính" lắm, cánh mỏng, dài và cong. Không nhẹ tay nát cánh hoa ngay". Băng Giang nói với đồng nghiệp, mà cũng như nói với bản thân mình. Kế rồi, Giang gọi điện "hỏi thăm" tình hình những vườn ngâu, vườn nhài, những thân cau, gốc lan... Rồi lại nhẩm tính, những loài hoa có hương sẽ dùng khi mùa đông đến. Không riêng Việt Nam có những loài hoa ấy. Nhưng cách ứng xử với hoa tạo nên văn hóa. Giang gọi đó là những loài "hoa cổ" của người Việt. Xưa, người miền Bắc, nhất là ở đất Hà thành, ưa dùng các loài hoa có hương để dâng cúng lên thánh thần, tổ tiên. Giờ, những loại hoa đó không dễ tìm. Nhất là hoàng lan, ngọc lan. Những cây hoàng lan có thể "khai thác" được trong nội đô, may lắm còn lại vài chục cây. Giang "thuộc mặt" từng cây một. Mà cũng lạ. Giống cây quý thế lại hiếm nơi trồng. Ra khỏi Hà Nội tìm rất khó…

Bùi Băng Giang (trái) cùng đồng nghiệp sắp hoa vào mẹt.

Chỉ hơn một năm trước, có "nằm mơ" Bùi Băng Giang cũng không nghĩ mình lại gắn bó với những loài hoa cổ đất Việt. Băng Giang là nhà đồng sáng lập Asia Exotica, một doanh nghiệp lữ hành hàng đầu về thị trường khách nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha. Asia Exotica có văn phòng tại Việt Nam, Lào, Campuchia. Dịch Covid-19 xảy ra, Giang cùng đồng nghiệp phải xoay xở vì… thất nghiệp. Doanh nghiệp Comida Ngon (phố Bạch Ðằng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ra đời, mục đích để bán hàng thực phẩm (comida tiếng Tây Ban Nha là "thực phẩm"). Mặt hàng đầu tiên, Giang bán bánh trung thu để hỗ trợ các đồng nghiệp khối khách sạn cũng thất nghiệp giống mình. Giang dùng những mẹt tre, hoa ngọc lan, hoàng lan hay quả thị làm "phụ kiện" chụp hình bánh trung thu. Vừa "up" lên facebook, ít phút sau, có đến mấy chục phản hồi. Nhưng rất hiếm người mua bánh. Phần lớn hỏi… mua hoa! Ðấy cũng chính là lúc Băng Giang cùng Comida Ngon rẽ sang một hướng kinh doanh hoàn toàn mới. Gọi là lĩnh vực kinh doanh mới, nhưng những "hạt mầm" về những loài hoa cổ đã được gieo từ lâu lắm. "Người miền Bắc thường gắn bó với các loài hoa có mùi thơm. Những người ở độ tuổi gần 40 trở lên hầu như ai cũng có kỷ niệm về hương ngâu, hương sói... hay những cây hoàng lan, ngọc lan. Mình vốn người Hòa Bình, nhưng 16 năm làm việc ở Hà Nội, mình được biết, người Hà Nội xưa rất gắn bó với những loài hoa này, hình thành một "văn hóa hoa cổ". Với mình, đến với hoa cổ, không chỉ là câu chuyện kinh doanh. Mà còn là câu chuyện khẳng định bản sắc", Bùi Băng Giang chia sẻ.

Băng Giang tìm hiểu sâu hơn về những phong tục gắn với những loài hoa cổ. Không chỉ thế, cô biến mình thành "nhà thực vật". Hoa cổ vốn không dành để cắm, nên nhanh héo. Phải hiểu "tính cách" của từng loài hoa để khi thu hái, đến lúc giao cho khách, những bông hoa vẫn giữ được trạng thái đẹp nhất. Có những điều Giang không thể ngờ khi đến với những loài hoa này. Một tháng sau khi khởi nghiệp, trong mùa Vu lan năm 2020, Comida Ngon đã tiêu thụ hơn 2.000 mẹt hoa các loại. Ngoài dịp lễ, Tết hay rằm, mồng một, khách còn đặt rải rác quanh năm. Mùa Vu lan năm nay, nếu không có dịch bệnh, Băng Giang dự kiến mức tiêu thụ còn vượt cả năm ngoái.

2. Tôi vốn thuộc lòng từng cửa hàng đoạn cuối phố Hàng Khoai. Bởi lắm khi không dặn lòng mình, mà vẫn tạt qua đoạn phố ấy. Ở đấy, có một cụ già, vẫn luôn ngồi đó với mấy cái rổ xinh xinh. Mùa nào, thức nấy. Hoàng lan, ngọc lan, rồi hoa sói, hoa bưởi, hoa nhài. Ðó là bà Phan Thị Thu, người phố cổ quen gọi là bà Thu hoa cúng. Bà Thu vốn con gái Ngọc Hà, bán hoa ở chợ Ðồng Xuân từ năm 13 tuổi. Bây giờ, đã 70 năm có lẻ bà bán hoa cho người dân phố cổ, vẫn loanh quanh khu chợ ấy. Mà chỉ bán độc những loại hoa có hương. Người ta gọi bà Thu hoa cúng thực ra chưa hẳn đúng. Người Hà Nội xưa, rất ưa để những đĩa hoàng lan, ngọc lan… trong phòng khách để căn phòng lúc nào cũng thoảng mùi hương thanh nhẹ. Tôi cứ đi đi lại lại con phố ấy, ngắm nhìn hình ảnh quen thuộc. Lần nào cũng cứ bâng khuâng: Nhỡ một ngày vắng bóng hàng hoa cúng thân thuộc ấy… Xã hội vẫn cứ đổi thay. Nhiều kỳ hoa dị thảo nhập về. Cái lo, không chỉ là hàng hoa. Mà nhỡ đâu, chẳng còn người muốn mua những loài hoa xưa cũ ấy.

Nhưng rồi, gần chục năm trước, bất ngờ, một lần trên phố, lại thấy những phụ nữ chân quê có rổ hoa bưởi, hoa nhài lẫn trong hàng hoa trên chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi. Ðể ý hơn, thì đó không phải cá biệt. Cũng mùa nào hoa nấy, còn có cả hoa cau, hoa ngâu, hoa nhài, hoa sói nữa. Bấy giờ mới nhận ra, cái lo của mình có phần thừa thãi. Cái lề lối Hà thành độ nào, vẫn cứ là một mạch chảy âm thầm… Cũng vì thế, tôi không ngạc nhiên khi nghe con số "kỷ lục" mà Băng Giang và các đồng nghiệp đạt được với những mẹt "hoa tâm linh". Bởi Băng Giang đã chạm vào đúng cái "mạch ngầm" nếp sống Hà thành. Cái bất ngờ khi gặp Băng Giang, là "tái sinh" lối ứng xử với những loài hoa cổ của người Việt bằng hình thức mới mẻ, tinh tế hơn, sang trọng hơn. Những mẹt hoa, hộp hoa được phối với nhau một cách tài tình. Khi thì thêm quả cau, lá trầu, khi thì thêm quả thị, quả hồng, phật thủ… Và cả những bông mẫu đơn, hoa huệ, móng rồng… Cả thảy có đến trăm mẫu. Băng Giang bảo rằng, điều ấy có được là vì Giang tham khảo cách bày hoa trong nghi lễ tâm linh của các nước châu Á. Hoa cổ, nhưng cách tiếp cận hiện đại. Khách được chọn lựa mẫu mã qua mạng, được "ship" tận nơi nếu có nhu cầu.

Có vị khách sau khi mở hộp hoa với những nhài, những sói, những hoàng lan, đã viết cho Băng Giang rằng, chị thấy ký ức về bà, về mẹ ùa về. Những mẹt hoa, hương hoa ấy trở thành gạch nối, đánh thức những ký ức của mỗi người với người thân.

3. Trong khi tiếp tục gắn bó với "hương ký ức", Bùi Băng Giang vẫn chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế trở lại. Trong những tour được xây dựng để đón khách, Giang sẽ đem đến một điểm nhấn đặc biệt. Ðó chính là trải nghiệm làm những mẹt hoa, hộp hoa truyền thống. Bùi Băng Giang cho biết: "Khách du lịch phương Tây luôn chú trọng tìm kiếm những yếu tố văn hóa khác biệt. Hà Nội, Việt Nam khác lạ thật đấy. Nhưng phải làm sao cho họ cảm nhận rõ rệt nhất. Nhiều tour du lịch chọn các di tích là điểm dừng chân. Bởi thế, trước khi đến thăm di tích, bọn mình sẽ cho họ trải nghiệm làm "hoa tâm linh", với những câu chuyện về những loài hoa này. Mình tin rằng, đấy sẽ là yếu tố để làm nên thương hiệu du lịch văn hóa của Việt Nam".

Trong những câu chuyện xưa, người Hà Nội thường để những đĩa hoa cổ trong phòng khách để lấy mùi hương. Ngay cả khi đĩa hoa ấy khô đi, hương vẫn còn đọng lại. Băng Giang cũng rất mong muốn hồi sinh lối sinh hoạt này. Bởi trong tâm trí nhiều người, những loài hoa có mùi hương, thường chỉ gắn với các hoạt động tâm linh. Ðể chuẩn bị cho chương trình "dài hơi" ấy, khi một số cây hoa cổ ngày càng hiếm hơn, Băng Giang đã xây dựng những vườn hoa ở Nam Ðịnh, để tạo nguồn cung ổn định. Cô tin rằng, mình sẽ thành công. Và đó không chỉ là thành công của cá nhân. Ðó còn là việc tìm lại một nếp sinh hoạt tinh tế, đã ít nhiều phôi pha cùng năm tháng…

Theo GIANG NAM (Báo Nhân Dân)