Kết nối nguồn nhân lực cho nông nghiệp

25/08/2023 - 06:59

 - Hiện nay, viện, trường, cơ quan quản lý Nhà nước với hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) kết nối đưa sinh viên đến thực tập, tìm kiếm cơ hội việc làm ngay tại vùng nguyên liệu nông sản. Hoạt động này vừa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu thực tế, vừa cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho nông nghiệp. Lực lượng tri thức trẻ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.

Các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã đều đồng thuận với kế hoạch

Bài toán nhân sự

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, liên kết sản xuất trong nông nghiệp là yêu cầu tất yếu, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nội địa và xuất khẩu.

Để xây dựng mối liên kết bền vững với DN, không thể thiếu vai trò kết nối của HTX nông nghiệp. Đây là tổ chức đại diện cho nông dân, thuận tiện ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, cơ giới hóa đồng ruộng, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn với chất lượng đồng nhất, tiến tới “mua chung, bán chung”, tiết giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị nông sản và lợi nhuận của nông dân.

Với địa phương có lợi thế nông nghiệp như An Giang, việc khuyến khích thành lập HTX nông nghiệp kiểu mới là định hướng xuyên suốt, được tỉnh quan tâm thực hiện. Tỉnh còn có chính sách đưa nguồn nhân lực trẻ về cho HTX, hỗ trợ trả lương nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của HTX. Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ. Hầu hết HTX vẫn thiếu nhân lực quản lý có trình độ, đa phần tận dụng từ chính nông dân kinh nghiệm ở địa phương.

Ông Lê Quang Trường (Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp dịch vụ du lịch Tân Thạnh, huyện Tri Tôn) cho biết, với 91 thành viên và diện tích 1.200ha, HTX cần nhiều nhân viên kỹ thuật đồng ruộng, trong khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (DN liên kết với HTX) chỉ mới cử 1 cán bộ kỹ thuật tham gia.

“Hội đồng quản trị có trình độ, nhưng chuyên môn về nông nghiệp lại thiếu, chưa kể nhu cầu nhân lực về quản lý hồ sơ, văn bản, kế toán… Chúng tôi rất mong muốn được tiếp nhận sinh viên nông nghiệp về thực tập, gắn bó lâu dài với HTX” - ông Trường thông tin.

Tương tự, ông Nguyễn Phi Sơn Hổ (Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Tây Phú, huyện Thoại Sơn) chia sẻ, khi thành lập HTX (năm 2015), thành viên chủ yếu là nông dân có kinh nghiệm, nhưng chưa ai được đào tạo về chuyên môn. “HTX cần nguồn nhân lực trẻ tham gia quản lý để xây dựng kế hoạch sản xuất, thảo luận liên kết với DN, đưa kiến thức mới vào phát triển HTX” - ông Hổ chia sẻ.

Kết nối cùng có lợi

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cùng Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm đồng chủ trì hội nghị bàn kế hoạch đưa sinh viên nông nghiệp về thực tập, làm việc tại các vùng nguyên liệu ở ĐBSCL.

Đây là lần đầu tiên một hội nghị cấp vùng được tổ chức để bàn câu chuyện kết nối, bổ sung nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Do vậy, hội nghị thu hút sự hào hứng tham gia của lãnh đạo trường đại học, cao đẳng trong nước; DN, HTX có vùng nguyên liệu tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sở dĩ chưa mở rộng câu chuyện ra toàn vùng ĐBSCL bởi mô hình còn rất mới, cần đánh giá thực tế ở vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao của tỉnh An Giang, Kiên Giang (trọng điểm thực hiện Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng ĐBSCL), vùng nguyên liệu trái cây của tỉnh Đồng Tháp.

“Điểm yếu của các HTX là khâu xây dựng kế hoạch sản xuất và hạch toán kinh doanh còn yếu, trong khi vùng sản xuất lớn, cần nguồn nhân lực có chuyên môn để quản lý. Khi kết nối, các viện, trường sẽ xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đưa sinh viên về vùng nguyên liệu thực tập, nghiên cứu khoa học, đề xuất ý tưởng mới. Giáo viên hướng dẫn cũng phải đi theo, sâu sát thực tế, tạo điều kiện đưa tiến bộ khoa học vào thực tế sản xuất” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Vụ đông xuân 2023 - 2024 sẽ thí điểm đưa sinh viên về thực tập tại vùng nguyên liệu 180.000ha. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị 3 tỉnh nắm bắt nhu cầu của DN, HTX, lập danh sách đơn vị đủ năng lực tiếp nhận sinh viên, gửi về Vụ Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) để có cơ sở trao đổi với các trường đăng ký số lượng sinh viên, lĩnh vực đào tạo, thời gian thực tập phù hợp. Các viện, trường phối hợp địa phương xây dựng cơ chế học bổng, chính sách khuyến khích sinh viên chuyên ngành nông nghiệp và thu hút trở về địa phương phục vụ…

Tỉnh An Giang dự kiến đưa sinh viên nông nghiệp về thực tập, làm việc tại vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao ở 11 xã, thị trấn, gồm: Xã Tân Tuyến, Tà Đảnh, thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn); xã Vọng Đông, Thoại Giang, Bình Thành, Vọng Thê, Tây Phú, An Bình, Mỹ Phú Đông và thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn).

 

NGÔ CHUẨN