Ban tổ chức trao bằng khen và kỷ niệm chương tri ân các nhà tài trợ. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN
Phát biểu khai mạc Festival, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng nông sản. Ngành lúa gạo ngày càng khẳng định được tầm quan trọng và vị thế đối với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế; nông nghiệp ngày càng thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân.
Qua 4 lần tổ chức tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Festival Lúa gạo Việt Nam đã khẳng định được vị trí, giá trị và ý nghĩa khi phát huy được vai trò là nhịp cầu kết nối, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ngành lúa gạo Việt Nam trên thị trường. Đặc biệt, Festival đã góp phần quảng bá hạt gạo Việt Nam ra thế giới, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư.
Ban tổ chức chương trình Festival Lúa gạo Việt Nam lần 5 trao bảng tượng trưng hỗ trợ nhà cho hộ nghèo tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lữ Quang Ngời, Vĩnh Long nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, được khẳng định qua các sản phẩm nông nghiệp chủ lực nổi tiếng tạo nên vị thế, thương hiệu riêng cho địa phương. Về sản xuất lúa gạo, tỉnh có diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 135.000 ha với sản lượng thu hoạch đạt trên 825.000 tấn, đóng góp quan trọng vào chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Vĩnh Long còn là nơi cung cấp trái cây, rau màu đứng thứ 2 của vùng với các sản phẩm tiêu biểu như: Khoai lang với diện tích hơn 13.000 ha, sản lượng trên 354.000 tấn; cây lâu năm có diện tích trên 63.000 ha, trong đó cây ăn trái khoảng 52.000 ha, chủ yếu là cây có múi (bưởi Năm Roi Bình Minh, cam Sành Tam Bình) được xem là sản phẩm trái cây có thế mạnh trong vùng.
Festival không chỉ là nhịp cầu kết nối, quảng bá những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội của các địa phương, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, tăng cường liên kết hợp tác đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, Festival còn mở ra cơ hội lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo Việt Nam tăng cường hoạt động liên kết hợp tác, nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp chiến lược đảm bảo vai trò chủ lực của ngành đối với sự phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, góp phần vào an ninh lương thực thế giới, qua đó góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Tại lễ khai mạc Festival, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trao tặng 6 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, trị giá 300 triệu đồng.
Người dân tham quan hội chợ, triển lãm. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN
Diễn ra từ ngày 7 - 10/1, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ 5 bao gồm chuỗi các hoạt động liên hoàn trong một chương trình tổng thể. Nổi bật là khu trưng bày sản phẩm đặc trưng tiêu biểu có quy mô gần 400 gian hàng với sự tham gia của 665 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã. Bên cạnh đó, Festival còn diễn ra hội thảo quan trọng về “Sản phẩm OCOP và phát triển ngành hàng Lúa gạo: Động lực quan trọng để phát triển nông thôn mới”; các cuộc thi "Gạo ngon thương hiệu Việt" và "Món ngon chế biến từ Gạo - Nếp Việt Nam".
Thoe PHẠM MINH TUẤN (TTXVN)