Khai thác tiềm năng du lịch nông nghiệp

14/09/2020 - 06:35

 - Nhằm khai thác hiệu quả lợi nhuận từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, ngành chuyên môn và địa phương đang tập trung hướng dẫn nông dân tham gia những dự án phát triển du lịch (DL) nông nghiệp. Khi đó, nông dân vừa có thể bán được các sản phẩm từ nông nghiệp, vừa phát triển các dịch vụ DL sinh thái để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của du khách gần xa.

Nép mình bên tuyến Hương lộ 13, đoạn từ xã An Cư về hồ Ô-tưk-xa là điểm DL sinh thái còn khá mới mẻ: vườn quýt của anh Đỗ Thanh Toàn. Đây là mô hình thuộc dự án phát triển trục DL sinh thái đang được huyện Tịnh Biên xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu của du khách muốn trải nghiệm cảm giác được khám phá những vườn trái cây xanh mát và “đắm mình” trong không gian xanh mát của thiên nhiên.

Anh Toàn cho biết, vườn quýt hiện có 1.200 cây đã 5 năm tuổi với diện tích khoảng 1ha. Lúc đầu, anh chỉ có ý định trồng quýt để bán ở chợ như những nhà vườn khác. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu tương đối cao của du khách trong việc thưởng thức cảnh vật, cây trái và ẩm thực vườn, anh Toàn quyết định làm DL nông nghiệp. Mục tiêu của người nông dân xứ núi này là phải khai thác tối đa lợi nhuận từ cây quýt và tận dụng ưu thế về du lịch của vùng đất núi non hùng vĩ này.

“Tôi thấy khách DL muốn khám phá, tìm hiểu các vườn trái cây để chụp ảnh rồi thưởng thức ẩm thực nên mới phát triển mô hình này. Từ khi khai trương điểm DL sinh thái Vườn Quýt, tôi thấy du khách gần xa đã bắt đầu tìm đến. Đa phần đều hài lòng khi được nếm thử các món ăn xứ vườn cũng như tham quan vườn quýt đầy trái”- anh Toàn chia sẻ.

Vườn quýt của anh Toàn đang cho trái

Hiện nay, quán Vườn Quýt của anh Toàn phục vụ đặc sản gà đốt lá chúc cùng các món ăn theo nhu cầu của thực khách. Ngoài ra, du khách có thể tham quan, chụp ảnh với vườn quýt và hái trái thưởng thức. Được ngắm nhìn những vườn quýt sai trái, thưởng thức món ăn dân dã ngon miệng, đa phần du khách đều thích thú với điểm DL sinh thái này. Hiện nay, anh Toàn dựng hẳn một căn chòi trên cây để làm điểm tham quan mới cho du khách. Cảm giác vừa thưởng thức gà đốt lá chúc, vừa ngắm nhìn những vườn cây xanh mát và mấy rặng núi mờ ảo xa xa cũng là một trải nghiệm thú vị mà bất cứ ai muốn thử một lần.

Bên cạnh đó, anh Toàn cũng có nguồn thu từ vườn quýt đường của mình với năng suất từ 12-16 tấn/vụ. Hiện nay, vườn quýt đang sai trái và sẵn sàng phục vụ du khách. Đồng thời, anh Toàn còn xử lý kỹ thuật để đón vụ quýt Tết nhằm nâng cao nguồn thu từ mảnh vườn nằm dưới chân núi Cấm này.

Anh Toàn đầu tư hẳn căn chòi trên cây phục vụ du khách

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên, địa phương đang phát triển 3 trục DL sinh thái nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện, gồm: trục Hương lộ 6 (xã An Phú), trục Hương lộ 13 (xã An Cư) và trục Nhà Bàng - Thới Sơn với đoạn từ miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp về chùa Phật Thới Sơn. Với 3 trục DL này, huyện đã vận động các hộ dân cùng tham gia canh tác vườn cây ăn trái theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp phát triển các dịch vụ ẩm thực để phục vụ du khách. Theo đó, mô hình của anh Toàn thuộc trục Hương lộ 13 (xã An Cư) đang phát triển tốt và thu hút được du khách.

Không chỉ dưới chân núi Cấm, hiện nay các hộ làm vườn trên núi cũng đang dịch chuyển theo hướng vừa làm nông nghiệp, vừa làm DL. Anh Nguyễn Văn Lường, nhà vườn trên núi Cấm cho biết, gia đình đang canh tác 100 gốc sầu riêng núi theo hướng sinh thái, không sử dụng phân, thuốc hóa học. Do đó, anh sẵn sàng tham gia làm DL để tăng thêm nguồn thu, bởi sầu riêng núi với phẩm chất thơm ngon đặc trưng, luôn thu hút du khách.

Góc nhìn từ căn chòi trên cây khá đẹp

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu phân tích: “Nếu khai thác được loại hình DL sinh thái vườn sẽ thu hút du khách đến với “nóc nhà miền Tây” quanh năm. Bởi, hết mùa hành hương sẽ đến mùa trái cây trên núi thay phiên nhau chín rộ, từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Khi ấy, du khách có thể tham quan, chụp ảnh để lưu giữ khoảnh khắc đẹp cùng những góc vườn sai trái trên núi Cấm. Từ đó, nhà vườn trên núi vừa có nguồn thu từ du lịch lại vừa có thể bán nông sản cho du khách”.

Với việc đầu tư, phát triển hoạt động DL nông nghiệp, nhiều nông dân đã cho thấy tư duy dám nghĩ, dám làm nhằm bắt kịp nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, cần có sự hỗ trợ của các ngành và địa phương để người nông dân tích lũy đủ kiến thức làm DL, cũng như có nguồn vốn đầu tư hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của du khách gần xa.

THANH TIẾN