Khẳng định vai trò Tổng đốc Phan Khắc Thận

21/11/2024 - 07:40

 - Làm quan 38 năm, trải qua 3 triều vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức), từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, nhưng cuối đời Tổng đốc Phan Khắc Thận gặp lận đận, thậm chí bị tiếng oan là người “hèn nhát”.

Quang cảnh hội thảo

Theo Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn và Gia phả họ Phan, Tổng đốc Phan Khắc Thận (1798 - 1868) hiệu là Chân Lưu, quê ở làng Tư Cung, huyện Bình Sơn (nay xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Ông đỗ tú tài 2 khoa thi Hương Thừa Thiên (khoa Ất Dậu 1825, khoa Mậu Tý 1828). Năm 1830, ông được bổ làm giáo chức ở phủ Bảo An (nay là tỉnh Long An), đến năm 1841 được thăng quyền Nhiếp phủ Tây Ninh.

Sau đó, từ những công trạng dẹp loạn “giặc cỏ”, ông lần lượt giữ các chức vụ: Án sát sứ Bình Định, Vĩnh Long, Tuyên phủ sứ Tây Ninh, Bố chính sứ Hà Nội, Nam Định, Quyền chưởng ấn Tuần phủ Lạng - Bình, Tả tham tri bộ Hộ, Tham tán quân thứ Đà Nẵng. Tháng 7/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng ở Đà Nẵng, xâm lược Việt Nam. Đang làm tham tán, Phan Khắc Thận được sai dẫn 2.000 cấm binh tinh nhuệ vượt Hải Vân quan, tăng viện quân triều đình đánh quân Pháp ở sông Cẩm Lệ. Thua trận, ông bị giáng 3 cấp, nhưng vẫn cho lưu chức.

Xét thấy ông từng giữ chức quan ở Nam Kỳ, am hiểu địa thế, nhân tình, năm 1859, vua Tự Đức bổ ông làm Tuần phủ An Giang. Nhận chức vụ, ông đem quân dẹp loạn thành công ở Ba Xuyên, được thưởng quân công. Năm 1861, ông được bổ làm thự Tổng đốc An - Hà, năm 1863 thăng Tổng đốc An - Hà.

Thực thi nhiệm vụ ở đây, ông ổn định tình hình biên giới với Chân Lạp, củng cố quân đội, sẵn sàng ngăn chặn thế lực xâm lực, nhất là thực dân Pháp. Thấy giặc chiếm Định Tường uy hiếp, Phan Khắc Thận, Trương Văn Uyển (Tổng đốc Vĩnh Long, kiêm việc An - Hà) xin sung làm Biên phòng tiễu quân vụ, phối hợp với Khâm phái quân vụ Đỗ Thúc Tịnh, Nguyễn Túc Trưng chiêu mộ nghĩa võng, xây dựng đồn lũy, sửa sang khí giới... chuẩn bị cho cuộc chiến chống xâm lược.

Tháng 12/1861, quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ, vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân triều đình, đặc biệt là nghĩa quân của thủ lĩnh Trương Định, Thủ Khoa Huân. Kháng lệnh triều đình, ông Trương Định không nhận chức Lãnh binh An Giang, vẫn tiếp tục chỉ huy nghĩa quân chống giặc Pháp. Thủ Khoa Huân cũng rút quân vào vùng Thất Sơn để bảo toàn lực lượng.

Cảm phục lòng yêu nước của lực lượng kháng chiến, Tổng đốc Phan Khắc Thận gián tiếp hỗ trợ xây dựng căn cứ chống Pháp, bước đầu giành được thành công nhất định. Sự “ưu ái” này thể hiện qua không ít lần Tổng đốc Phan Khắc Thận kháng lệnh triều đình, Đô đốc Nam Kỳ de la Grandière đề nghị “bắt và giao Thủ Khoa Huân cho Pháp”.

Khoảng 10 năm cuối đời làm quan (1858 - 1868), Phan Khắc Thận bị thăng giáng, khiển trách nhiều lần, trong khi triều đình lúc chiến, lúc hòa với Pháp. Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước với Pháp. Ông Phan Khắc Thận bị áp lực từ phía Pháp và của cả triều đình Huế đề nghị truy bắt, giao nạp 2 thủ lĩnh chống Pháp (Acha Xoa và Thủ Khoa Huân).

Làm phong phú thêm thân thế, sự nghiệp của Tổng đốc An - Hà, nhất là làm rõ các điểm khuất của lịch sử, giải oan cho ông, ngày 2/11/2024, Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) tỉnh An Giang phối hợp Hội KHLS TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học về danh thần Phan Khắc Thận. Trong 30 bài tham luận, 12 ý kiến trao đổi, tranh luận, đều công nhận ông có cuộc đời ngang dọc hiếm có, được triều đình đánh giá cao, được chép vào sách Đại Nam liệt truyện.

Do biết tài thao lược, xuất chúng của Phan Khắc Thận, triều đình điều ông đến các miền biên viễn gai góc, nóng bỏng. Khi ông mất, vua Tự Đức rất thương tiếc, tặng hàm Hiệp biện Đại học sĩ và thực hiện các bước như một công thần. Về chi tiết “Tổng đốc Phan Khắc Thận giao thành An Giang cho Pháp ngày 22/6/1867”, Tổng Thư ký Hội KHLS tỉnh An Giang Trần Văn Đông cho biết, ngày thành An Giang mất, ông đã bị cách chức vụ, không còn gì cả nữa. Người có thẩm quyền là Tổng đốc Nguyễn Hữu Cơ; người ra lệnh giao thành là Phan Thanh Giản. Việc Thủ Khoa Huân bị bắt và giải giao cho Pháp là ý chí của ông Phan Khắc Thận hay chỉ dụ của triều đình Huế, Khâm sai đại thần Phan Thanh Giản bắt phải làm như thế... cần phải đánh giá lại.

Kết luận hội thảo, PGS TS Mai Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội KHLS TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua các bài tham luận, lại có thêm cơ sở, chứng cứ để hậu thế minh định Tổng đốc An - Hà Phan Khắc Thận là trọng thần nhà Nguyễn, một người yêu nước, yêu dân, làm tốt các công việc được nhà vua giao phó. Đặc biệt, từ năm 1861 - 1867, làm Tổng đốc An - Hà, ông có công lao to lớn ổn định tình hình biên giới An Giang - Hà Tiên rộng lớn. Để ghi nhận công lao tiền nhân, cần có ngôi chợ, con đường, trường học mang tên ông.

N.R