Nỗi buồn “2B”
Khoảng 20 năm trước, Tri Tôn (An Giang) là địa phương có đàn bò lớn nhất tỉnh, còn với Chợ Mới, nghề nuôi bò vẫn còn khiêm tốn. Khi Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) mở rộng vùng nguyên liệu bắp non ở Chợ Mới, nghề nuôi bò phát triển theo. ND ký hợp đồng bán trái bắp non cho Antesco, còn thân cây bắp thì nuôi bò, lại dùng phân bò bón vào đất, tạo phân hữu cơ tự nhiên.
Năm 2000, Công ty Antesco quyết định đầu tư Nhà máy Mỹ An ngay tại vùng nguyên liệu Chợ Mới, công suất gấp 2 lần Nhà máy Bình Khánh lúc bấy giờ, mô hình “2B” (trồng bắp - nuôi bò) càng phát triển, trở thành một trong những mô hình liên kết nông nghiệp (NN) tiêu biểu ở ĐBSCL. Từ đây, Chợ Mới đã vượt qua Tri Tôn, trở thành địa phương có đàn bò lớn nhất tỉnh.
Những tưởng cái nôi của mô hình “2B” càng có điều kiện phát triển khi Công ty Antesco liên tục mở rộng thị trường, xây dựng thêm vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, mối liên kết của Antesco với ND Chợ Mới có nguy cơ đổ vỡ khi có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số DN bên ngoài. “Chiêu” của các DN này là đợi sau khi Công ty Antesco ký hợp đồng thống nhất với ND về diện tích, sản lượng, giá thu mua, quy trình canh tác và giao giống bắp non để sản xuất, họ ngầm thỏa thuận và bán giống (không rõ nguồn gốc) cho ND gieo trồng.
Đến kỳ thu hoạch, nếu giá bắp non ngoài thị trường lên cao thì các DN này tranh mua với Antesco, ND vì lợi nhuận nên cắt bớt sản lượng phải giao theo thỏa thuận với Antesco, bán ra bên ngoài. Ngược lại, khi giá trên thị trường xuống thấp, các DN này không mua, ND lại “ép” Antesco mua luôn phần diện tích ngoài hợp đồng đã ký.
“Việc ND cắt bớt sản lượng khiến nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất, không có sản phẩm để giao cho đối tác đúng hạn, buộc phải bồi thường hợp đồng. Ngược lại, khi sản lượng vượt ngoài kế hoạch thu mua cũng gây khó cho nhà máy. Khi công ty không đồng ý mua phần diện tích bên ngoài thì ND khiếu nại lên chính quyền địa phương, gây áp lực buộc công ty phải mua khiến mối liên kết trở nên căng thẳng” - Tổng Giám đốc Công ty Antesco Huỳnh Quang Vinh chia sẻ.
ND chứng kiến quy trình tiêu hủy hạt giống đậu nành rau do một ND không thực hiện đúng cam kết sản với Antesco
Mong muốn làm ăn lớn
Không chỉ cây bắp non ở Chợ Mới mà hợp đồng liên kết sản xuất đậu nành rau ở một số địa phương cũng gặp trục trặc khi có sự tham gia của thương lái bên ngoài. Đó là lý do ban lãnh đạo Công ty Antesco cùng đại diện ngành NN, chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại thẳng thắn với các tổ liên kết, đại diện kinh doanh, hộ ND để tìm hướng đi cho chuỗi liên kết.
Tại buổi đối thoại ấy, ngoài đại diện ND trên địa bàn tỉnh còn có nhóm ND đặc biệt đến từ huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nơi nổi tiếng với hành tím. “Trồng rẫy kiểu tự phát bây giờ rủi ro lắm. Điển hình như hành tím Vĩnh Châu, lúc có giá 8.000-9.000 đồng/kg thì ND lời nhiều, còn bây giờ rớt xuống 2.000 đồng/kg thì lỗ nặng. Khi Công ty Antesco xuống triển khai trồng thử nghiệm đậu nành rau, cây phát triển tốt. Được công ty cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, ký hợp đồng thu mua, chúng tôi quyết định xuống giống vụ tới 40 công. Việc tham gia liên kết sản xuất bền vững là mong ước của ND bởi mình biết được giá bán từ đầu, tính toán được lợi nhuận nên yên tâm sản xuất” - ND Lê Chân, đại diện tổ sản xuất ở xã Vĩnh Hải (huyện Vĩnh Châu) bộc bạch.
Liên kết sản xuất bền vững là lựa chọn được nhiều ND và cán bộ quản lý NN đồng tình, ủng hộ. “Chúng tôi không khuyến khích ND chạy theo các cây trồng đang có giá nhất thời nhưng thị trường bấp bênh. Từ khi triển khai liên kết với Antesco, ND có thu nhập ổn định hơn. Huyện đang quy hoạch vùng nguyên liệu liền thửa, tiến tới sản xuất lớn với công ty” - Trưởng phòng NN và Phát triển nông thôn huyện An Phú Mai Văn Bộ nhấn mạnh.
“Quan điểm của địa phương là ủng hộ hợp tác với Antesco, bởi việc liên kết mang lại lợi nhuận ổn định. Được Sở NN và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống thủy lợi, xã Tân Trung đang chuẩn bị thành lập vùng nguyên liệu 80ha cho Antesco. Đồng thời, nghiên cứu thành lập hợp tác xã (HTX) kiểu mới để liên kết bền vững hơn”- ông Nguyễn Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung (Phú Tân) chia sẻ.
Qua cuộc trao đổi thẳng thắn tại Nhà máy Rau quả Bình Long (Châu Phú), lãnh đạo Công ty Antesco và ND đã thấu hiểu và chia sẻ nhau hơn. Ông Huỳnh Quang Vinh cho biết, Công ty Antesco sẽ xây dựng lại tổ thu mua, đảm bảo thông tin chính xác, trao đổi 2 chiều với ND. Công ty sẽ thành lập Hội đồng cố vấn kỹ thuật, tiến tới cung ứng phân, thuốc theo quy trình khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu.
“Để liên kết sản xuất bền vững hơn, công ty cam kết sẽ hỗ trợ thêm 10% trên giá thu mua cho HTX kiểu mới. Nếu ND nào tiên phong đăng ký thành lập HTX, công ty sẽ chi ngay 5 triệu đồng coi như chi phí trà nước để vận động ban đầu. Trong quá trình sản xuất, nếu nơi nào đăng ký sử dụng máy móc để giảm công lao động, công ty sẽ hỗ trợ” - ông Vinh khẳng định.
“Qua buổi nói chuyện với bà con ND, chúng tôi như lấy lại niềm hứng khởi để tiếp tục phát triển chuỗi liên kết sản xuất theo hướng chọn lọc những ND làm ăn lâu bền, uy tín. ND có thể lên kế hoạch sản xuất cho 1-2 năm, trồng luân canh bắp non, đậu nành rau với lúa, khoai mỡ, khoai lang, chanh, sả, kiệu… công ty đều ký hợp đồng thu mua hết. Muốn làm ăn bền vững với Antesco, ND cần bỏ tâm lý ngóng chờ, so sánh với kiểu thu mua của thương lái Trung Quốc, lúc thì giá cao vút, lúc thì dìm tới đáy” - Tổng giám đốc Công ty Antesco Huỳnh Quang Vinh nhấn mạnh. |
NGUYÊN ANH