Khi nào điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024?

11/12/2023 - 14:25

Dự kiến phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ diễn ra trong tháng 12. Tuy nhiên, các bên sẽ phải trải qua đàm phán để đưa ra mức tăng hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng vào đầu năm 2024 khó thực hiện.

Tại phiên thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia cách đây 4 tháng, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 5% một năm. Tuy nhiên đến nay, mức tăng lương tối thiểu vùng phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất bao nhiêu thì vẫn chưa thống nhất.

Lao động trong lĩnh vực dệt may.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: "Đến nay hoặc thời gian tới, mức tăng lương tối thiểu vùng phía Tổng liên đoàn đề xuất bao nhiêu thì chúng tôi chưa thống nhất, bàn bạc. Tại mỗi thời điểm, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe doanh nghiệp, mong muốn của người lao động, phía Tổng Liên đoàn sẽ tính toán mức tăng lương tối thiểu khác nhau”.

Nội dung này tiếp tục được đại diện người lao động đánh giá kỹ hơn trên cơ sở bức tranh về kinh tế Việt Nam và Thế giới, đặc biệt "sức khỏe" của doanh nghiệp, để có đề xuất phù hợp trong những phiên đàm phán của Hội đồng tiền lương quốc gia tới đây.

"Chúng tôi xác định thương lượng tiền lương phải tập trung cao nhất. Bởi người lao động khi đi làm phải có lương đủ đảm bảo cuộc sống", ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là quyết định khó, do xu hướng kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp vẫn có thể tăng. Trong khi đó, cuộc sống người lao động cũng không dễ thở do giảm thu nhập vì thiếu việc làm. Nếu không tăng lương sẽ khó đáp ứng được cuộc sống trong bối cảnh lạm phát và lương cơ sở của khối Nhà nước, lương hưu đã tăng từ tháng 7 vừa qua.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và cũng là thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia dự báo, có thể trong tháng 12 này, Hội đồng sẽ họp nhóm lại để tiếp tục bàn thảo, song ông cũng khẳng định mức đề xuất của tổ chức đại diện người lao động sẽ được bàn bạc, xem xét lại cho phù hợp.

Từ góc độ cá nhân, ông Lê Đình Quảng cho rằng, với tình hình hiện nay, lương tối thiểu vùng khó có thể tăng vào đầu năm 2024, bởi lẽ, theo quy định xây dựng văn bản pháp luật, sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia “chốt” được mức đề xuất, các bên phải xây dựng nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động trình Chính phủ xem xét rồi mới ban hành.

“Từ chính sách đến thực tiễn triển khai sẽ có độ trễ. Nhưng tôi cho rằng tăng từ 1/7/2024 sẽ hợp lý bởi thời điểm này cũng thực hiện cải cách tiền lương theo vị trí việc làm với khối cơ quan Nhà nước, hành chính, sự nghiệp”, ông Lê Đình Quảng cho biết.

Để đảm bảo đời sống cho người lao động, thời gian tới, công đoàn tăng cường đối thoại, thương lượng về tiền lương. “Lâu nay có tình trạng thương lượng của chúng ta chưa tốt nên thường dựa vào điều chỉnh tăng lương tối thiểu để các doanh nghiệp tăng tiền lương theo. Nhiều doanh nghiệp lương chỉ cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút”, ông Lê Đình Quảng cho hay.

Theo Báo Tin Tức