Khi nông dân liên kết làm ăn

30/06/2021 - 04:20

 - Việc nông dân liên kết sản xuất thông qua các loại hình kinh tế hợp tác, như: chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX)... đã giúp cho việc canh tác gặp nhiều thuận lợi. Nông dân có điều kiện mở rộng về quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo sản phẩm có chất lượng cao... góp phần tăng thu nhập cho nông dân nói riêng và tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh nói chung.

Tham gia các loại hình kinh tế hợp tác mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân

Cùng nhau “làm ăn”

Cùng sở thích, chí hướng với việc canh tác nông nghiệp, nhiều nông dân huyện miền núi Tri Tôn (tỉnh An Giang) đã tập hợp lại với nhau, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác hay các HTX để “làm ăn chung”. Bên cạnh việc góp vốn để mở rộng quy mô sản xuất, các thành viên đã hỗ trợ, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau về kinh nghiệm và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Được thành lập năm 2020, HTX nông nghiệp Ô Lâm hiện có 16 thành viên, canh tác trên tổng diện tích 70ha, với các loại cây trồng chủ yếu, như: xoài keo, xoài tượng da xanh...

Giám đốc HTX nông nghiệp Ô Lâm Bùi Xuân Điện cho biết, khi tham gia “ngôi nhà chung”, các thành viên được cung cấp cây giống chất lượng với giá ưu đãi và được hỗ trợ chi trả nhiều lần, nhằm giúp giảm bớt khó khăn trong việc huy động vốn. Đặc biệt, thành viên còn được tiếp cận với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ về vốn để duy trì và phát triển sản xuất. Các thành viên thường xuyên trao đổi về tình hình sản xuất, thị trường, đầu ra của nông sản... nên dần hình thành quy trình sản xuất chung. Từ đó, sản phẩm tạo ra chất lượng, đồng đều, thương lái thu mua dễ dàng, thuận lợi hơn.

Tại huyện đầu nguồn An Phú, với mục đích chuyển từ canh tác manh mún, nhỏ lẻ sang làm ăn lớn, các địa phương trong huyện đã chủ động tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia các loại hình kinh tế hợp tác. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò của các hộ nông dân xã Đa Phước.

Tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt thương phẩm xã Đa Phước được thành lập năm 2017. Từ 12 hộ dân lúc mới thành lập, đến nay, số lượng thành viên là 16 hộ dân. Bình quân mỗi hộ canh tác từ 2-6 con bò, mỗi con mang về lợi nhuận 1 triệu đồng/tháng/con. Ông Phan Thanh Bình (ngụ ấp Hà Bao 1) cho biết, tham gia tổ hợp tác, ngoài được hỗ trợ về nguồn giống chất lượng, các thành viên còn được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, khám, chữa bệnh định kỳ... Ngoài ra, các thành viên còn thường xuyên được tham gia các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, từ đó “tay nghề” chăn nuôi của bà con ngày càng được nâng cao, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với việc canh tác nhỏ lẻ.

Nâng “chất” và “lượng”

Thực tế cho thấy, việc người dân liên kết, tham gia các loại hình kinh tế hợp tác trong sản xuất - kinh doanh đã tạo sức bật và đem lại hiệu quả kinh tế. Bằng chứng rõ nét nhất là chất lượng lẫn số lượng các loại hình liên kết ngày càng gia tăng và đa dạng cả quy mô, lĩnh vực hoạt động. Các HTX, tổ hợp tác được thành lập mới và hiện có luôn chú trọng đổi mới mô hình và tổ chức sắp xếp các hoạt động đảm bảo hoạt động hiệu quả. Từ đó, có những đóng góp thiết thực trong hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 246 HTX. Trong đó có 180 HTX nông nghiệp; 24 quỹ tín dụng nhân dân; 25 HTX giao thông vận tải; 5 HTX lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp; 11 HTX lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; 1 HTX hoạt động ở lĩnh vực tài nguyên và môi trường (khai thác cát).

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 800 tổ hợp tác, thu hút sự tham gia của 14.552 thành viên. Các loại hình kinh tế tập thể này hoạt động hiệu quả, có những đóng góp thiết thực trong hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên.

Để góp phần tham gia có hiệu quả trong việc phát triển kinh tế hợp tác thời gian tới, ngành chức năng sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và tuyên truyền sâu rộng trong hội viên nông dân về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ hợp tác phát triển; phát hiện, nhân rộng, biểu dương khen thưởng kịp thời các mô hình hoạt động có hiệu quả cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể trong nước và quốc tế tham gia thúc đẩy phát triển các loại hình kinh tế tập thể...

ĐỨC TOÀN