Khiếu nại địa phương thu hồi đất, dỡ nhà, đốn cây trồng không bồi thường

21/04/2020 - 07:10

 - Ông Trần Văn Chậm (sinh năm 1971, ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, Tri Tôn, An Giang) nhiều lần khiếu nại, cho rằng UBND địa phương tự động thu hồi 4.000m2 đất cặp bờ kênh, dỡ 2 căn nhà, chặt đốn khoảng 10.000 cây bạch đàn trồng hàng chục năm của ông nhưng không bồi thường, nhiều năm qua không xem xét, giải quyết.

Ông Trần Văn Chậm

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, ông Trần Văn Chậm trình bày: “Lúc nhỏ, tôi ở nhà của cha mẹ ở ấp Vĩnh Lạc (xã Vĩnh Gia, Tri Tôn) cách đó hàng chục cây số. Đến năm 1988, tôi về ấp Vĩnh Thuận (xã Lạc Quới) ra sức khai phá khoảng 4.000m2 đất cặp bờ kênh T5, trồng khoảng 10.000 cây bạch đàn, lần lượt cất 2 căn nhà để ở và trông giữ cây trồng, nhưng số đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Năm 2005, ông Chậm được địa phương cấp hộ khẩu. Đến năm 2011, UBND xã Lạc Quới mời đến trụ sở, yêu cầu ông giao đất để thi công Bia tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng thời buộc di dời nhà, số cây trồng trên đất, giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đổi lại, địa phương sẽ ưu tiên cho ông mua 1 nền nhà trả chậm (giá 6 triệu đồng), hỗ trợ 5 triệu đồng, nhưng không bồi thường trên 4.000m2 đất ông khai phá và cây trồng, cũng như 2 căn nhà. Thấy bất hợp lý ông không đồng ý.

Ngày 21-7-2012, UBND xã Lạc Quới mời ông đến trụ sở làm việc, không xem xét việc bồi thường nhà, đất, số cây trồng theo quy định, nhưng yêu cầu ông giao ngay mặt bằng để thi công. Ngay sau đó, địa phương cho lực lượng tháo dỡ 2 căn nhà đang ở, đốn hạ hết số cây bạch đàn và cây ăn trái trồng trên đất. “Đến thời điểm bị thu hồi đất, tôi phải lo tìm chỗ ở, tốn nhiều tiền bạc và thời gian đi khiếu nại việc bồi thường. Ngoài 4.000m2 đất, 2 căn nhà của tôi (tiền đổ đất, xây dựng nhà, trang thiết bị) trị giá 165 triệu đồng.

Riêng trên 10.000 cây bạch đàn trồng gần 14 năm, giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng. Tôi đã khiếu nại đến Thanh tra huyện, UBND huyện Tri Tôn, các cơ quan cấp tỉnh và Trung ương, nhưng ở đâu cũng đưa vụ việc về địa phương xem xét, giải quyết. Khi tôi đến hỏi UBND xã Lạc Quới, ở đây đều nói việc của tôi đã được ngành chức năng, cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết.

Gần đây, tôi được địa phương bán 1 nền nhà trả chậm nhưng giao diện tích nền chỉ 5,7mx26m (thực tế nhận 5mx26m) - chỉ bằng 1/2 nền trả chậm kích cỡ 10mx26m. Tôi phải buộc nhận vì sợ không có nền, nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại yêu cầu xem xét giải quyết việc bồi thường thỏa đáng đối với tôi, do bị thiệt hại quá lớn” - ông Trần Văn Chậm bức xúc.

Tìm hiểu vụ việc được biết, sau khi giao mặt bằng cho địa phương thi công, ông Chậm làm đơn khiếu nại gửi nhiều nơi, đi đến nhiều cơ quan Trung ương ở TP. Hồ Chí Minh đòi bồi thường số tiền gần 1,7 tỷ đồng, cùng giá trị đất 4.000m2, đồng thời yêu cầu được mua nền tái định cư gần cây xăng Tuyết Phương.

Bên cạnh đó, ông Chậm còn gửi đơn khởi kiện vụ việc đến Tòa án nhân dân tỉnh An Giang, Tòa án nhân dân Tối cao yêu cầu giải quyết về việc bồi thường nhà đất và cây trồng. Các cơ quan đã chuyển nội dung vụ việc về địa phương xem xét, giải quyết theo quy định. Tháng 10-2017, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương có buổi làm việc xem xét vụ việc của ông Trần Văn Chậm.

Kết quả, ông Chậm không nói được nguồn gốc đất, không chỉ ra được các vị trí giáp ranh. Ông không đồng ý cách giải quyết của địa phương, chưa nhận nền tái định cư. Qua xem xét, UBND huyện giao Thanh tra huyện Tri Tôn rà soát hồ sơ, phối hợp cơ quan chức năng làm rõ các nội dung khiếu nại của ông Chậm. Cuối cùng, xác định ông Trần Văn Chậm tự chiếm dụng khoảng 4.000m2 đất cặp bờ kênh do nhà nước  quản lý. Nhiều cơ quan và địa phương đã giải quyết, giải thích vụ việc nhưng ông Chậm không đồng ý và tốn nhiều tiền bạc, thời gian đi khiếu nại.

Nói về vụ việc, đại diện UBND xã Lạc Quới cho biết, phần đất ông Trần Văn Chậm đòi bồi thường là đất của nhà nước quản lý, ông sử dụng đã nhiều năm. Vụ việc của ông đã được địa phương, ban, ngành, UBND huyện Tri Tôn giải quyết đã lâu, nhưng ông vẫn không đồng ý, đi nhiều nơi khiếu nại. Địa phương đã làm mọi việc có thể, tạo điều kiện giúp đỡ người dân, trong đó có ông Chậm có đời sống tốt hơn.

Bài, ảnh: N.R