Khơi dậy tiềm năng sản phẩm đặc trưng địa phương

19/11/2024 - 07:20

 - Thời gian qua, tỉnh khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ các sản phẩm đặc trưng, nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa, từng bước nâng vị thế, giá trị sản phẩm, tăng thu nhập người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Sản phẩm đặc trưng địa phương

Gắn “sao” cho sản phẩm đặc trưng

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành phong trào sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, đẩy nhanh quá trình liên kết, hợp tác giữa người dân và hợp tác xã, doanh nghiệp (DN), góp phần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất và nhận thức người tiêu dùng. Theo đó, sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú về chủng loại, có minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc, được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, hồ sơ công bố chất lượng, câu chuyện sản phẩm, hình thức mẫu mã, bao bì, nhãn mác phù hợp, bắt mắt…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến tháng 9/2024, toàn tỉnh đánh giá, phân hạng 142 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 11 sản phẩm 4 sao và 126 sản phẩm 3 sao của 101 chủ thể kinh tế (7 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 24 DN, 68 cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh). Dự kiến đến cuối năm, toàn tỉnh có thêm ít nhất 50 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng theo kế hoạch và đăng ký của các huyện, nâng tổng số 166 sản phẩm từ 3 sao trở lên. Đây đều là những sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Phát huy lợi thế này, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục rà soát, lựa chọn và hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm OCOP. Hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP gắn với lợi thế, điều kiện của từng địa phương, như: Đặc sản, sản phẩm truyền thống, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch nông thôn và nông sản đặc trưng... Bên cạnh đó, khuyến khích thu hút, hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm mới, sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống. Tiếp tục quan tâm hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Đồng thời, định hướng xây dựng mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị gắn với dịch vụ, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, làng nghề truyền thống, điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…

Xuất khẩu sản phẩm đặc trưng

Thời gian qua, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và hành chính công, đưa ra chính sách phù hợp để phát triển sản phẩm đặc thù, đặc trưng. Đầu tư xây dựng kho trữ hàng lớn để trữ nông sản; tạo điều kiện cho DN tiếp cận nhiều cơ chế, chính sách, kết nối, tìm kiếm xuất khẩu sản phẩm đặc trưng ra thị trường thế giới. Theo Sở Công Thương, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh 10 tháng năm 2024 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng về khối lượng và kim ngạch. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh tăng trưởng tốt so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu lũy kế 10 tháng năm 2024 ước đạt 1 tỷ USD; tăng 5,5% so cùng kỳ; đạt 86,2% so kịch bản tăng trưởng năm 2024 của tỉnh.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, gạo, rau, củ, quả. Trong đó, lũy kế xuất khẩu thủy sản ước đạt 141.000 tấn; tương đương 258,5 triệu USD; tương đương về sản lượng và kim ngạch cùng kỳ. DN chế biến thủy sản xuất khẩu vào thị trường Châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, hơn 60% (Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines…), Châu Mỹ khoảng 20% (Colombia, Mỹ, Mexico…), Châu Âu khoảng 18% (Nga, Pháp…).

Lũy kế xuất khẩu gạo 10 tháng ước đạt 350.000 tấn; tương đương 209,5 triệu USD; tăng 1,5% về lượng và tăng 5% về kim ngạch. Thị trường xuất khẩu gạo của DN trong tỉnh chiếm tỷ trọng cao nhất ở Châu Á (khoảng 88%), còn lại là thị trường Châu Âu, Châu Phi. Lũy kế xuất khẩu rau quả ước đạt 121.200 tấn; tương đương 61,5 triệu USD; tăng 19,6% về kim ngạch. Trong đó, DN xuất khẩu đạt 24.000 tấn, tương đương 37 triệu USD, tăng gấp 2 lần so cùng kỳ về lượng và kim ngạch. Thị trường chủ yếu xuất khẩu sang Malaysia, Đài Loan, Ba Lan, Bỉ, Vương Quốc Anh…

Có thể thấy việc xây dựng, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ sản phẩm đặc trưng của địa phương đã và đang nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, hướng tới xuất khẩu. Nhờ vậy, góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội An Giang ngày càng phát triển.

TRỌNG TÍN