Vượt qua 25 dự án khởi nghiệp (KN )ở vòng chung kết, dự án “Trồng chuối già kết hợp trồng rau, nuôi cá theo hướng an toàn và sản xuất phân hữu cơ” được vinh danh trong đêm tổng kết và trao giải thưởng. Đó là niềm vui không chỉ của riêng tác giả, mà còn là tín hiệu đáng mừng cho những ai đang quan tâm đến thanh niên và dự án KN của họ. Bởi sự đầu tư nghiêm túc, chất lượng mà các thí sinh mang đến cuộc thi thể hiện sự mới mẻ và sáng tạo của tuổi trẻ.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên KN An Giang Lâm Thành Sĩ hy vọng: “Đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho những dự án KN sắp tới của thanh niên, bên cạnh các bạn trẻ luôn có sự đồng hành của các ban ngành, đoàn thể và doanh nghiệp”.
Chị Tú bên sản phẩm trưng bày từ dự án của mình
Chia sẻ về dự án KN độc đáo của mình, chị Nguyễn Ngọc Tú (giảng viên Trường Cao đẳng nghề An Giang) tâm sự: “Sau những khóa học, bài học về sản phẩm đặc trưng của vùng, miền, tôi bắt đầu thử nghiệm trồng chuối.
Được sự ủng hộ và đồng hành của gia đình, ước mơ của tôi ngày càng hiện thực hóa. Chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trồng chuối của những người đi trước. Trên 1,5ha đất ruộng kém hiệu quả của gia đình, tôi và chồng tiến hành cải tạo để trồng chuối. Giống chuối chúng tôi chọn là chuối già lùn Nam Mỹ (nuôi cấy mô).
Nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì phát sinh nhiều vấn đề hơn mình nghĩ. Cây chuối không hoàn toàn dễ trồng. Đặc biệt là giai đoạn cây con, chuối rất nhiều sâu bệnh, nếu không chăm sóc kỹ rất dễ “mất trắng”. Vượt qua giai đoạn đó, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Khoảng 300 cây chuối là con số chúng tôi trồng thử nghiệm ban đầu”.
Ý định kết hợp trồng rau sạch kết hợp với chuối được nảy sinh khi chị Tú thấy khoảng cách các cây chuối còn khá trống. Thế là, chị trồng xen canh giống bầu sao. bắt 2 giàn giữa các mương nước và trồng trên dưới 20 dây bầu. Chuối chưa thu hoạch thì bầu đã bắt đầu ra hoa và kết trái. Bầu được trồng hoàn toàn tự nhiên, phân bón là phân chuồng.
Trung bình, 1 dây bầu cho năng suất 10kg. Vừa ăn, vừa biếu, vừa bán, vợ chồng chị Tú vẫn đạt lợi nhuận tương đối cao từ việc bán bầu sao. Dưới mương nước, chị Tú thả vài giống cá để nuôi. Tất nhiên, cá cũng được cho ăn hoàn toàn bằng thực vật, chứ không hề tốn tiền thức ăn nào. Rau quanh vườn chuối, bầu lủng lẳng phía trên, cỏ quanh nhà, thậm chí là chuối chín cái gì cá ăn được, chị Tú đều làm thức ăn cho cá.
Độc đáo nhất vẫn là cách vợ chồng chị tự sản xuất phân hữu cơ bằng việc tận dụng thân cây chuối sau khi thu hoạch, vừa tạo thêm nguồn thu, vừa tiết kiệm chi phí lại góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, an toàn, không độc hại.
“Nếu bỏ đi 1 lần mấy trăm thân cây chuối sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến môi trường nên tôi đã học kinh nghiệm sản xuất phân hữu cơ. Thế là, tôi quyết định sử dụng thân chuối làm phân. Ủ và bón thêm ít Tricoderma (nấm), khoảng 15 ngày, tôi đã thu về phân hữu cơ từ thân chuối. Số phân đó tôi dùng để bón ngược lại cho cây chuối và dây bầu. Bản thân chuối có rất nhiều Kali nên sẽ là nguồn cung cấp dinh dưỡng “tuyệt vời” cho đất để nuôi cây phát triển”- anh Nguyễn Thành Luân (sinh năm 1985, chồng chị Tú) cho biết.
Trở lại với cây chuối, vợ chồng chị Tú bày tỏ, đợt vừa rồi do ảnh hưởng của thời tiết nên chuối không đạt năng suất cao nhất nhưng cũng đảm bảo chất lượng từ 18-20kg/buồng chuối. Tính luôn 2 lần thu hoạch, vườn chuối cho 5 tấn, với giá bán khoảng 5.000-6.000 đồng/kg (giá có thể cao hơn tùy thời điểm), trừ hết chi phí đầu tư, chị Tú thu về lợi nhuận khá cao.
Nằm trong 5 dự án được chọn vào “Vườn ươm doanh nghiệp” của tỉnh, nếu muốn phát triển thêm quy mô từ dự án, chị Tú sẽ được hỗ trợ nguồn vay với lãi suất ưu đãi. “Vấn đề đầu ra là nỗi lo lớn nhất. Vừa rồi, chúng tôi phải mang đến tận TP. Hồ Chí Minh để bán. Nếu được công ty bao tiêu sản phẩm, chúng tôi tin việc KN từ dự án “Trồng chuối già kết hợp trồng rau, nuôi cá theo hướng an toàn và sản xuất phân hữu cơ” sẽ mang lại kết quả rất cao” - chị Tú bộc bạch.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN