Khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới

30/05/2019 - 07:49

 - Thay vì trồng các loại cây truyền thống tại địa phương như: bắp, xoài 3 màu…
chị Nguyễn Thị Thu Trang (sinh năm 1988, ngụ ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ An, Chợ Mới) chọn mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng để khởi nghiệp. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khả quan.

Khởi nghiệp với cây dưa lưới

Chi Trang cho biết, gia đình làm nghề nông, nên chị muốn tìm kiếm mô hình phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tham khảo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đang phát triển mạnh, hiệu quả kinh tế cao nên chị quyết định phát triển mô hình này.

Mô hình trồng dưa lưới của gia đình chị Lê Thị Thu Trang được xây dựng trên diện tích khoảng 3.000m2, gồm: 2 nhà màng (mỗi nhà 1.000m2) và 1 nhà chờ (ươm cây giống, chứa vật tư, thay giá thể…) với tổng kinh phí 1 tỷ đồng. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên vườn dưa của chị Trang hiện nay phát triển rất tốt. Chỉ sau 75 ngày trồng, vườn dưa thu hoạch trên 1 tấn trái, trọng lượng từ 1,2-1,6kg/trái. “Với 2 nhà màng, tôi trồng 2.600 dây/công. Đợt đầu tiên thu hoạch khoảng 6 tấn trái, bán cho thương lái ở TP. Hồ Chí Minh với giá từ 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi trên dưới 60 triệu đồng” - chị Trang thông tin.

Mô hình trồng dưa lưới mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cây trồng ở địa phương

Theo chị Trang, việc trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều ưu điểm như: quản lý cây trồng tốt hơn, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, nông dân giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch và bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, chỉ tính riêng chi phí đầu tư (không kể nhà màng) khoảng 50 triệu đồng/công; việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi công chăm sóc phải tỉ mỉ; người trồng phải biết áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất mới có thể thành công.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Đến nay, sau gần 2 vụ sản xuất dưa lưới, chị Nguyễn Thị Thu Trang đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định ở TP. Hồ Chí Minh. Theo chị Trang, mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao nhưng bù lại, mô hình cho thu nhập ổn định. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của cây dưa lưới tương đối ngắn, có thể canh tác 4 vụ/năm, nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh. Thời gian tới, chị Trang dự định sẽ nhân rộng mô hình, đồng thời tiến hành thử nghiệm phương pháp thụ phấn bằng con ong nhằm hạn chế sức người, sức của, từ đó nâng cao giá trị cây dưa lưới trên cùng đơn vị diện tích.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của chị Nguyễn Thị Thu Trang có triển vọng về hiệu quả kinh tế, góp phần tạo điều kiện cho người dân địa phương tiếp cận kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình trồng dưa lưới của chị Trang còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn tham gia các công việc như: thụ phấn, buộc dây leo, thay giá thể… với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, chị Trang vẫn còn đó không ít lo lắng về tiềm năng của loại cây trồng này trong tương lai. “Hiện nay, người dân tiếp cận với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng không nhiều, dưa lưới được thị trường ưa chuộng nên đầu ra ổn định. Song, do lợi nhuận cao nên mô hình này có thể phát triển rầm rộ trong thời gian tới. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu như nhiều loại cây trồng khác” - chị Trang bộc bạch.

ĐỨC TOÀN