Khởi nghiệp với trà atiso

10/03/2019 - 14:30

 - Nhận thấy tiềm năng của cây atiso đỏ, anh Đặng Hoài Linh (sinh năm 1993), ngụ thị trấn Phú Hòa (Thoại Sơn) đã thực hiện ý tưởng nhân rộng mô hình trồng và chế biến trà từ loại cây này. Sản phẩm bước đầu được đánh giá cao và thị trường đón nhận.

Khởi nghiệp từ loại cây “lãng quên”

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ sinh (Trường Đại học An Giang), hành trang lúc ra trường của anh Đặng Hoài Linh là vốn kiến thức học được từ những dự án nông nghiệp công nghệ cao tại trường. Sau khi tốt nghiệp, trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng anh vẫn mong muốn được làm giàu từ những kiến thức đã học. Nhận thấy cây atiso đỏ (hay còn được gọi là cây bụt giấm) là loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương nhưng từ lâu bị lãng quên, anh Linh nảy ra ý định chọn cây trồng này để thương mại hóa.

Bắt tay vào công việc, anh Linh thí điểm trồng trên diện tích khoảng 1 công đất (1.000m2) với mật độ 800 - 900 cây/công. Sau thời gian trồng khoảng 3,5 tháng, cây cho thu hoạch hoa và kéo dài khoảng 3 tháng sau. Bông sau khi thu hoạch được anh sử dụng để chế biến trà. Theo anh Linh, để chế biến ra trà, hoa phải trải qua nhiều quy trình vô cùng tỉ mỉ. Đầu tiên, hoa sau khi hái được rửa sạch, để khô tự nhiên từ 3-4 tiếng rồi đem vào lò sấy khoảng 6 tiếng với nhiệt độ khoảng 600C, sau đó để nguội và đóng gói. Với khoảng 25kg hoa tươi, sau khi sấy thu được khoảng 1kg trà thành phẩm. Mỗi sản phẩm làm ra giữ được nguyên trạng ban đầu, đóng thành từng gói khoảng 50gr, với giá bán khoảng 70.000 đồng.

Đặng Hoài Linh là người tiên phong trong việc thương mại hóa cây atiso tại An Giang

Anh Linh cho biết, atiso đỏ là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Trong quá trình canh tác, chỉ cần tưới nước đều đặn là cây có thể sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, do ít sâu bệnh nên sản phẩm sau khi thu hoạch đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bình quân mỗi cây cho năng suất từ 3 - 5kg bông. Đặc biệt, các bộ phận của cây atiso đỏ (thân cây, lá cây và hoa) đều có giá trị dinh dưỡng cao, giúp tăng cường khả năng miễn dịch cơ thể, trẻ hóa làn da; điều tiết cholesterol xấu trong máu, giảm huyết áp, các bệnh về tim mạch; ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tai biến mạch máu não, lão hóa, thoái hóa gan, tổn thương do bức xạ…

Từng bước chinh phục thị trường

Tại Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp - Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức, dự án khởi nghiệp “Xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến và thương mại cây atiso đỏ (Hibiscus) tại An Giang, do nhóm của anh Đặng Hoài Linh thực hiện được hội đồng ban giám khảo đánh giá cao và đã xuất sắc giành giải nhất phần thi khởi nghiệp. Qua đó, đã đánh dấu bước phát triển mới cho sản phẩm trà atiso trên thị trường.

Để có được thành công như hôm nay là cả quá trình đầy gian khổ. Anh Linh cho biết, thời gian đầu khi đưa sản phẩm tiếp cận thị trường, bản thân anh gặp không ít khó khăn. Do đây là loại cây trồng mới, lạ, nên mọi người chưa mạnh dạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm trà atiso mới xuất hiện gần đây nên mọi người chưa hiểu hết giá trị dinh dưỡng cũng như tính dược nên còn e ngại. Do đó, mỗi khi chào bán sản phẩm, anh phải tư vấn những tính năng, công dụng của sản phẩm cho người dùng hiểu. Dần dần, sản phẩm được thị trường đón nhận, đầu ra được mở rộng.

Hiện nay, anh Linh đang tích cực quảng bá sản phẩm tại các hội chợ giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội như: facebook, zalo và xây dựng website cho riêng mình. Ngoài ra, anh còn xây dựng được nhiều kênh phân phối trực tiếp ở các điểm như: trạm dừng chân, Spa, cửa hàng thực phẩm sạch đặc sản vùng, miền, cửa hàng tạp hóa, nhà thuốc, quán cà phê, hệ thống siêu thị tại các địa phương như: Quảng Nam, TP. Cần Thơ, An Giang, TP. Hồ Chí Minh… với các sản phẩm tiêu biểu như: trà, nước cốt atiso, atiso sấy dẻo…

Chia sẻ về những dự định sắp tới, anh Linh cho biết: “Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sản lượng để cung cấp ra thị trường. Trước mắt sẽ liên kết nông dân trong vùng mở rộng canh tác và bao tiêu sản phẩm theo quy trình kỹ thuật với diện tích khoảng 10ha. Đồng thời, chuyển giao kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao (nuôi trồng trong nhà lưới, ứng dụng quản lý kiểm soát cây trồng bằng hệ thống thông minh). Ngoài ra, tôi dự kiến sẽ phát triển loại hình kết hợp tham quan du lịch trải nghiệm mua sắm tại vùng nguyên liệu và xưởng sản xuất; phát triển các loại sản phẩm mới như: trà túi lọc, trà hòa tan, rượu atiso... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN