Khơi thông xuất khẩu nông sản qua đường biển

14/01/2022 - 08:39

Đến thời điểm này, việc tiêu thụ nông sản ách tắc tại các cửa khẩu biên giới phía bắc đã có những chuyển biến tích cực bước đầu. Trong đó, phần lớn là chuyển về tiêu thụ trong nước, một phần chuyển qua xuất khẩu theo đường biển. Tuy nhiên, nhiều khó khăn vẫn phát sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cộng thêm những vướng mắc không nhỏ trong vận tải đường biển.

Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản qua đường vận tải biển. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Bộ Giao thông vận tải tổ chức cuộc họp trực tuyến về vấn đề thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển, nhằm giảm áp lực thông quan tại các cửa khẩu, đồng thời giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.

Cần hơn 5.000 container lạnh cho xuất khẩu thanh long

Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng cho biết: Tổng số thanh long cần xuất khẩu qua đường biển của ba tỉnh: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang trong quý I/2022 là 101.216 tấn, tương ứng cần đến 5.087 container lạnh. Riêng tháng 1, sản lượng thanh long của Bình Thuận là 60.000 tấn, cần xuất khẩu qua đường biển 12.400 tấn, tương ứng cần 620 container. Long An có 20.000 tấn có nhu cầu xuất khẩu đường biển, cần 1.000 container. Tiền Giang có 1.592 tấn cần xuất khẩu đường biển, cần 84 container... Đây là con số rất lớn cả về sản lượng thanh long và số lượng container, đòi hỏi phải có giải pháp cấp bách, kịp thời trong thời điểm này. Bởi lẽ, hiện nay, một số doanh nghiệp đã thu mua thanh long từ các xe hàng không xuất khẩu được sang Trung Quốc để phục vụ chế biến, tiêu thụ trong nước; một số hệ thống phân phối, đơn vị bán lẻ cũng có kế hoạch thu mua để bán trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhưng tính chung tổng lượng thu mua đó cũng rất nhỏ so với sản lượng thanh long cho thu hoạch.

Về tình hình xuất khẩu thanh long qua các cửa khẩu phía bắc, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Ngày 12/1, cửa khẩu Lào Cai đã chính thức được phép xuất khẩu thanh long trở lại sang Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng có thể dừng thông quan tại các cửa khẩu bất kỳ lúc nào nếu phát hiện bao bì hàng hóa, phương tiện vận chuyển có vi-rút SARS-CoV-2. Chính vì vậy, các địa phương và doanh nghiệp cần hết sức lưu ý trong vấn đề thực hiện an toàn dịch bệnh. Hiện nhiều trung tâm kiểm tra, kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những thiết bị kiểm tra vi-rút SARS-CoV-2 trên bao bì hàng hóa để sẵn sàng vào cuộc cùng doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu về kiểm tra hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Riêng đối với các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã có văn bản thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu của tỉnh để xuất khẩu. Thời gian thực hiện từ ngày 17/1 cho đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Còn về chất lượng hàng nông sản xuất khẩu tiểu ngạch, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch hay chính ngạch đều phải chịu sự kiểm dịch, bảo đảm chất lượng, nhãn mác, bao bì, có truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng… theo đúng quy định của Trung Quốc nên không thể nói hàng tiểu ngạch là kém chất lượng. Hiện, đối với thị trường Trung Quốc, các cơ quan chức năng đã cấp gần 2.000 mã số vùng trồng; riêng thanh long có 247 mã số (chiếm 39,2% tổng mã số được cấp cho các vùng trồng thanh long)… Tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng xuất nhập khẩu do dịch Covid-19 khiến hàng xuất khẩu theo đường bộ bị ách tắc thì việc chuyển hướng sang đường biển là hết sức cần thiết.

Lựa chọn sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Ảnh: HÀ ANH

"Thông đường" hàng hải

Theo Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, hiện có khoảng 30 hãng tàu chạy tuyến Trung Quốc với số lượng chỗ khác nhau, như: Cosco, SICT, Yang Ming, CMA CGM, CNC… Với hãng SICT, có 50-80 container lạnh/tuần; hãng CMA CGM có 250- 300 container lạnh/tuần; Cosco có 350- 400 container lạnh/tuần; Yang Ming 50 container lạnh/tuần... Tuy nhiên, thời điểm này, việc xuất khẩu bằng đường biển cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu container lạnh khiến giá vận chuyển tăng cao. Nguyên nhân là do Việt Nam xuất hàng lạnh, nhập hàng khô nên buộc phải chờ nhập lại container lạnh rỗng. Ngoài ra, hàng lạnh đòi hỏi phải có ổ cắm điện để trữ lạnh trên tàu cũng như ở cảng bãi (trung bình chỉ 20% số chỗ trên tàu có ổ cắm).

Về vấn đề này, Giám đốc kinh doanh hãng tàu CMA CGM tại Việt Nam Văn Nhật Tùng thông tin: Hiện nay mỗi tuần hãng tàu đã tăng 100 container chở nông sản sang Trung Quốc và đang nỗ lực bố trí thêm tàu phục vụ hàng nông sản. Tuy nhiên, lượng hàng nông sản đi đường biển chủ yếu là chuối, là mặt hàng đã được các doanh nghiệp đăng ký từ nhiều năm nay. Chính vì vậy, với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long muốn quay từ đường bộ về đi đường biển thì hãng tàu có thể tăng thêm container chuyên chở nhưng số lượng chắc chắn không được nhiều vì phải dành container cho các đối tác khác đã ký hợp đồng từ trước. Ông Tùng cũng lưu ý: Hiện nay đã có tình trạng các container thanh long từ đường bộ chuyển sang đường biển nhưng khi sang đến Trung Quốc thì lại rất khó thông quan tại cảng biển phía Trung Quốc do đặc thù đường biển đòi hỏi nhiều thủ tục hơn đường bộ mà không phải doanh nghiệp nào cũng chuẩn bị kịp. Ngoài ra, thanh long là loại trái cây tươi, nếu không thông quan được dẫn đến hư hỏng bỏ đi thì cũng phải mất phí tiêu hủy. Đây là những vấn đề doanh nghiệp cần nắm được khi thay đổi phương thức vận chuyển.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho rằng: Thực tế, thông quan theo đường bộ thuận tiện hơn đường biển về thủ tục, chi phí cũng rẻ hơn nên thời gian qua phương thức vận chuyển này vẫn chiếm số lượng lớn. Về đường biển, cho đến nay cơ sở hạ tầng cảng biển cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu xuất hàng, tuy nhiên do mức tăng đột xuất nên năng lực hàng hải cũng không tăng ngay được, chỉ gánh đỡ được một phần lượng hàng nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía bắc. Chính vì vậy, về lâu dài, các ngành hàng nông sản cần có lộ trình đa dạng hóa phương thức vận tải, tăng thị phần vận tải đường biển. Theo đó, cần có kế hoạch cụ thể giữa chủ hàng và hãng tàu để chủ động phương tiện vận chuyển. Ở góc nhìn khác, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhận định: Việc buộc phải thay đổi phương thức vận tải cũng chính là cơ hội để nông nghiệp chuyển đổi mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, giảm lượng hàng xuất theo đường bộ. Từ đó sẽ có thay đổi trong cả hệ thống khách hàng, thiết lập lại mạng lưới bán hàng, vì trước đây là đối tác dọc đường biên thì khi đi theo đường biển, đối tác sẽ là khách hàng nội địa Trung Quốc. Đồng thời, khi đi theo đường biển cũng sẽ cần cam kết với các hãng tàu về sản lượng hàng hóa, chất lượng, thời gian giao hằng tuần, hằng tháng..., cũng giúp doanh nghiệp và người sản xuất chủ động được nguồn cung-cầu phù hợp. Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ làm đầu mối tiếp nhận thông tin nhu cầu vận chuyển đường biển đi Trung Quốc, trao đổi với các hãng tàu quốc tế và Việt Nam để mở và nâng cấp tuyến.

Theo ÁNH TUYẾT (Nhân Dân)