Không chủ quan với rầy nâu

08/03/2018 - 05:24

 - Khi phần lớn diện tích lúa đông xuân bước vào giai đoạn đòng - chín và chuẩn bị thu hoạch, rầy nâu vào đèn với mật số tăng rất cao. Nếu không theo dõi, xử lý kịp thời, rầy nâu có thể gây thiệt hại lớn cho các trà lúa muộn.

Chủ động theo dõi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay, có 201.868/234.832ha lúa đông xuân 2017-2018 đang bước vào giai đoạn đòng - chín và chuẩn bị thu hoạch, tập trung nhiều ở các địa phương: Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc. Qua theo dõi bẫy đèn từ ngày 20 đến 28-2, rầy nâu vào đèn tập trung ở tất cả các huyện với mật số từ vài ngàn con/bẫy/đêm. Cá biệt, vào đêm 20-2, bẫy đèn tại Thoại Sơn đạt đỉnh cao nhất, lên đến 20.000 con/bẫy. “Rầy nâu vào đèn cao là hiện tượng bình thường khi lúa vào giai đoạn cuối và chuẩn bị thu hoạch rộ, kết hợp các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp đang có thu hoạch lúa đông xuân. Tuy nhiên, đây là điều kiện cho rầy di trú sang các trà lúa nhỏ hơn, cần hết sức cảnh giác, chủ động theo dõi mật số rầy nâu để có hướng đối phó kịp thời trong trường hợp rầy nâu có mật số quá cao, tấn công trên trà lúa muộn” - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các dịch hại khác trên lúa (gọi tắt là BCĐ tỉnh) tỉnh Trần Anh Thư lưu ý.

Một số vùng lúa đang thu hoạch tạo điều kiện cho rầy nâu di trú sang diện tích khác

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BTVT) An Giang, từ ngày 3 đến 10-3 có đợt rầy cám nở trên lúa đẻ nhánh - làm đòng với mặt số vài trăm con/m2 trên toàn tỉnh, cục bộ mật số rầy sẽ cao tại các ruộng lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đòng tại các địa phương: Phú Tân, Châu Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn và TX. Tân Châu. Do vậy, nông dân (ND) cần phải thường xuyên thăm đồng, kiểm tra kỹ ruộng lúa, đặc biệt chú ý trà lúa làm đòng - trổ - ngậm sữa, nếu phát hiện rầy cám có màu vàng nhẹ và mật số hơn 3 con/tép thì phải phun thuốc trừ rầy. Một số hoạt chất thuốc trừ rầy ND có thể sử dụng như: Dinotefuran, Pymetrozine, Buprofezine, Thiamethoxam... Khi phun thuốc cần tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, tuyệt đối tuân thủ thời gian cách ly. Lưu ý, không sử dụng thuốc trừ rầy có chứa hoạt chất Acetamiprid ở giai đoạn trổ và sau trổ sẽ tồn lưu dư lượng khi thu hoạch. 

Không xuống giống vụ hè thu trong tháng 3

Trước tình hình phức tạp của rầy nâu, BCĐ tỉnh đề nghị các huyện, thị xã, thành phố khuyến cáo ND không được xuống giống trước lịch xuống giống chung của tỉnh. Đồng thời, ND không nên xuống giống lúa vụ hè thu trong tháng 3. Nếu xuống giống sớm ở giai đoạn này sẽ là cầu nối cho rầy nâu và mầm bệnh lây lan sang cho vụ kế tiếp.

Để đối phó với đợt rầy nâu sắp tới và bảo vệ năng suất lúa đông xuân, các đoàn công tác được yêu cầu phối hợp, hỗ trợ BCĐ các địa phương tăng cường thăm đồng ít nhất 1 lần/tuần nhằm phát hiện sớm dịch hại và quản lý hiệu quả. Đồng thời, phân công cán bộ tăng cường công tác ở cơ sở để giám sát chặt chẽ tình hình và diễn biến rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn hướng dẫn ND phát hiện và xử lý kịp thời, không để rầy nâu, bệnh hại lúa bộc phát thành dịch. Đồng thời, củng cố, thiết lập hệ thống bẫy đèn và thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có cơ sở dự tính, dự báo chính xác về rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, thông báo đến ND biện pháp phòng trừ qua các phương tiện thông tin đại chúng. 

Về lâu dài, BCĐ tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp kiên quyết trong việc chỉ đạo xuống giống theo khung thời vụ quy định và theo thông báo xuống giống né rầy. Mỗi đợt gieo sạ tập trung không quá 10 ngày trong cùng tiểu vùng, thời gian gieo sạ mỗi vụ không kéo dài quá 2 tháng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây ra. Lưu ý, không nên gieo trồng lúa các vụ liên tiếp, sau khi thu hoạch phải để đất nghỉ ít nhất 15 ngày nhằm cắt đứt nguồn bệnh và rầy nâu trên đồng. Các ngành chuyên môn hướng dẫn ND áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tổng hợp như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái… kết hợp với gieo sạ đồng loạt, tập trung và né rầy theo lịch trên diện rộng. Đây là biện pháp hữu hiệu để hạn chế mật số rầy nâu ngay từ đầu vụ, góp phần giảm được áp lực của dịch rầy nâu và đảm bảo khống chế dịch bệnh bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá ở mức tối thiểu. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV, tăng cường tuyên truyền hướng dẫn ND sử dụng thuốc theo “4 đúng” khi thật sự cần thiết.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN