Không lơ là vụ lúa đông xuân

27/12/2018 - 07:30

 - Nhiệt độ tăng, ít mưa nhưng khả năng xuất hiện mưa trái mùa, nước dưới kênh xuống thấp, khả năng nước mặn xâm nhập sớm hơn… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sâu, dịch bệnh gây hại trong vụ lúa đông xuân 2018-2019. Nông dân cần thực hiện tốt khuyến cáo của ngành chuyên môn về lịch xuống giống, thường xuyên thăm đồng, thực hiện đúng quy trình phòng trừ dịch hại để có vụ lúa đạt năng suất, chất lượng.

Đề phòng dịch hại nguy hiểm

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, những loài dịch hại chủ yếu trên cây lúa trong vụ đông xuân tới là rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, chuột, bệnh đạo ôn, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, bệnh cháy bìa lá, muỗi hành, nhện gié…

Đối với rầy nâu, sau khi thu hoạch lúa thu đông 2018, rầy có khả năng di chuyển sang lúa đông xuân sớm. Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền dự báo, sẽ có 3 đợt rầy phát sinh, gồm: đợt rầy cám nở vào khoảng giữa đến cuối tháng 12-2018, gây hại mức độ nhẹ trên trà lúa sớm ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng (đợt 1); đợt rầy cám nở vào giữa đến cuối tháng 1-2019, mức độ từ nhẹ đến trung bình (đợt 2); riêng đợt 3 sẽ có đợt rầy cám nở vào giữa đến cuối tháng 2-2019 trên trà lúa muộn với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên các giống nhiễm.

Đối với bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, khả năng phát sinh và lây lan do rầy nâu di trú truyền bệnh. Bệnh phát sinh cục bộ trên trà lúa vụ đông xuân sớm và trà lúa xuống giống không đúng lịch thời vụ tập trung né rầy, các ruộng canh tác những giống lúa nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá như: ĐS1, OM5451, OM4218, IR50404… với mức độ thiệt hại từ nhẹ đến trung bình.

Do điều kiện thời tiết lạnh, ban ngày trời âm u, đêm và sáng sớm có sương mù, trời có nắng, mưa xen kẽ… có thể tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại mạnh vụ đông xuân, nhất là trên các ruộng sử dụng giống nhiễm bệnh, gieo sạ dày, bón thừa đạm… Trong đó dự báo bệnh đạo ôn trên lá sẽ phát sinh ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nhiễm nặng trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12-2018 đến giữa cuối tháng 2-2019 trên các giống nhiễm như: OM4218, IR50404, Jasmine 85, OM2514, OM5451, OM6073, Nàng Hoa 9...

Những vùng ngộ độc hữu cơ, bệnh sẽ xuất hiện sớm do tình trạng cây lúa suy yếu, bệnh dễ tấn công. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, khả năng phát triển mạnh từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2-2018, mức độ từ nhẹ đến trung bình, phổ biến trên các giống nhiễm nặng như: OM6976, OM4218, IR50404, OM4900…

“Nông dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: sử dụng giống chống chịu, mật độ gieo sạ hợp lý, bón phân cân đối và thường xuyên, kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và xử lý kịp thời” - ông Hiền khuyến cáo.

Không lơ là vụ lúa đông xuân

Cần thăm đồng thường xuyên để bảo vệ sản xuất

Tập trung xử lý

Đối với sâu cuốn lá nhỏ, khả năng sẽ có 3 đợt xuất hiện, gồm: đợt 1 từ giữa đến cuối tháng 12-2018, sẽ có đợt sâu non nở trên trà lúa sớm đang đẻ nhánh với mức độ nhẹ (đợt 1); đợt 2 từ giữa đến cuối tháng 1-2019, sẽ có đợt sâu non nở trên trà lúa đại trà đang đẻ nhánh đến làm đòng, đây là đợt sâu chính trong vụ với mức độ từ nhẹ đến trung bình; đợt 3 từ giữa đến cuối tháng 2-2019, có đợt sâu non nở trên trà lúa muộn đang làm đòng đến trổ, mức độ nhẹ đến trung bình.

Trên những trà lúa xuống giống muộn (gieo sạ từ tháng 1 đến giữa tháng 2-2019), khả năng xuất hiện muỗi hành gây hại ở mức độ nhiễm nhẹ đến trung bình, cục bộ có thể nhiễm nặng nếu sử dụng các giống nhiễm như: nếp Thái mỡ, Jasmine 85, OM6976, ĐS1…

Riêng rầy phấn trắng và nhện gié, khả năng gây hại ở mức độ trung bình, cục bộ nặng trên trà lúa xuống giống muộn; trong điều kiện thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, nhất là trong khoảng tháng 2 đến tháng 3-2019. Ngoài ra, cần chú ý sâu đục thân, bệnh đốm vằn, chuột, ốc bươu vàng… gây hại.

Ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, để góp phần hạn chế sự phát sinh và gây hại của các loại dịch hại, đồng thời giảm chi phí sản xuất vụ đông xuân 2018-2019, bà con nông dân cần áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật của chương trình “1 phải, 5 giảm” như: gieo sạ tập trung đồng loạt và né rầy, gieo sạ theo hàng hoặc sạ thưa với lượng giống từ 80-100kg/ha, bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali, tránh bón thừa đạm.

“Nông dân cần tích cực tham gia chương trình công nghệ sinh thái (trồng cây có hoa trên bờ ruộng) nhằm hạn chế phun sâu rầy gây hại, giảm phun thuốc trừ sâu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường” - ông Hiền lưu ý.

Để hạn chế dịch hại lây truyền, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng thật kỹ sau thu hoạch, đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 10 - 15 ngày. Lưu ý, không sử dụng thuốc trừ sâu gốc lân hữu cơ, cúc tổng hợp hoặc hỗn hợp nhiều loại thuốc trừ sâu vào giai đoạn 40 ngày đầu của cây lúa để bảo vệ thiên địch, tránh sự bộc phát của các loài dịch hại, nhất là rầy nâu.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN