Không manh mún trong tư duy nông nghiệp

08/06/2022 - 17:47

 - Một lần nữa, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được đưa vào nghị trường tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng, phiên chất vấn không chỉ để hỏi - trả lời, chất vấn - giải trình, mà còn là dịp để Bộ NN&PTNT lắng nghe, ghi nhận, phát hiện thêm vấn đề tồn tại từ lâu, lẫn vấn đề mới phát sinh từ thực tế cuộc sống sinh động và vận động không ngừng.

Tam nông vẫn “nóng”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành “mở hàng” các phiên chất vấn bằng nhóm vấn đề thứ 1 thuộc lĩnh vực NN&PTNT, gồm: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản; giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp; việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, về mặt vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước với những bước đi cụ thể, phù hợp từng giai đoạn. Vấn đề còn lại là cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị vì nông nghiệp có tính liên ngành cao, xuyên suốt, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.

“Chính sách vĩ mô được hoạch định từ cấp Trung ương, nhưng tổ chức thực hiện bắt đầu từ cấp cơ sở. Điều đó cần đến sự phối hợp theo tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công. “Không có vấn đề” chính là vấn đề lớn nhất. Nhận diện, phát hiện vấn đề không thể chỉ từ trong nội bộ một tổ chức, vì tổ chức ít nhiều còn quán tính khô cứng, khó có thể vận hành, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời với yêu cầu đa dạng, thay đổi liên tục từ đời sống thực tiễn. Bộ NN&PTNT thực hiện chức trách trong vai trò quản lý chuyên ngành mang nặng yếu tố kỹ thuật. Trong khi đó, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) từ lãnh đạo Trung ương đến địa phương quán xuyến, bao quát lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh sẽ có cách thức, quan điểm tiếp cận vấn đề nhiều góc độ khác nhau dưới nhiều cấp độ khác nhau. Trên tinh thần đó, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và giải trình ý kiến của các vị ĐBQH” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ.

Trong các vấn đề, trọng điểm vẫn xoáy vào vùng ĐBSCL. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT giải trình thêm các vấn đề liên quan đến quy hoạch sử dụng đất (nhất là cho khu nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn), vấn đề tập trung ruộng đất nông nghiệp; giải pháp phối hợp chống thoái hóa đất; phát triển nông nghiệp trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là vùng ĐBSCL theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ liên quan đến phát triển của vùng. 

Đau đáu nông nghiệp “Chín Rồng”

Ông Lê Minh Hoan nhìn nhận, khó khăn nhất của ĐBSCL hiện nay là hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài thiếu đường cao tốc thì khu vực này còn gặp khó về hạ tầng logistics, kho bảo quản, khu chế biến. Quốc hội đã phê chuẩn cho TP. Cần Thơ thí điểm cơ chế đặc thù là trung tâm logistics, từ đó kết nối với hạ tầng logistics dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu. Bộ NN&PTNT đang làm việc với các tập đoàn của Hoa Kỳ, Châu Âu đầu tư chuỗi kho bảo quản ở cấp độ hợp tác xã. Mô hình đầu tiên là kho lạnh sử dụng năng lượng mặt trời (tỉnh Trà Vinh), được triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm, kỳ vọng tạo ra thế mới cho hạ tầng nông nghiệp của ĐBSCL.

Trả lời chất vấn của ĐBQH tỉnh Hậu Giang về bất ổn thị trường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thông qua Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Tham tán thương mại nước ngoài, Bộ NN&PTNT cùng xây dựng 3 thị trường lớn và 1 đề án riêng cho từng loại thị trường (Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc). Từ đó, tránh tình trạng “đi buôn chuyến”; chuẩn hóa vùng nguyên liệu, đáp ứng được từng loại thị trường. Với đề án này, doanh nghiệp Việt kết nối với nhau, nhìn vào lăng kính thị trường để điều chỉnh tổ chức sản xuất phù hợp từng loại thị trường, từng mùa vụ, từng vùng nguyên liệu cụ thể.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh chất vấn: “Tác động của quá trình tự nhiên cũng như các yếu tố nhân tạo đã làm cho đất bị suy thoái, rất khó phục hồi và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đáng báo động là tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng, việc khắc phục và ngăn chặn không dễ dàng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp tổng thể khắc phục?”.

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, đó là thực trạng đang được các ngành, các cấp từng bước khắc phục, có một số kết quả khả quan. Những mô hình hữu cơ hóa đang phát huy tác dụng, làm đất đai đỡ chai cằn ở nhiều địa phương, cần được mở rộng, nhân rộng. Đồng thời, cần xây dựng mô hình tổ chức khuyến nông để bà con chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hiện đại, sử dụng lại vật tư đầu vào, chuyển đổi tăng giá trị, giảm chi phí. Về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ NN&PTNT đã xây dựng quy hoạch sản xuất vùng, trong đó chia 3 vùng sinh thái (ngọt, lợ, lợ mặn) để có phương án sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, từ đó giúp thay đổi sinh kế, tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.

Giải trình thêm chất vấn này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: “Chúng ta đã lựa chọn mô hình canh tác không đúng, thâm canh, quảng canh, dùng phân bón vô cơ, phân bón hóa học; biến đổi khí hậu khiến xâm nhập mặn, nhiễm phèn, khô hạn, ngập lụt… gia tăng, gây suy thoái đất. Bài học thành công là Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nguyên tắc rút ra là phải chung sống thân thiện với tự nhiên và theo tự nhiên, dựa theo hệ sinh thái. Đã đến lúc chuyển đổi, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Khâu thiết kế quy hoạch, bố trí cây trồng, vật nuôi, sản xuất tiêu dùng và xử lý môi trường phải đi với nhau thành 1 vòng khép kín”.

Bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, khó định lượng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Chúng ta dũng cảm, kiên trì cùng nhau, theo cách nói của một lãnh đạo tỉnh Hải Dương - “đất đai manh mún” chứ tư duy không được manh mún”.

 GIA KHÁNH