Không thể phủ nhận giá trị chiến thắng 30/4/1975

14/04/2023 - 16:14

Gần đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), lại xuất hiện những luận điệu xuyên tạc giá trị lịch sử của sự kiện quan trọng này. Thậm chí, có người còn mơ mộng viển vông rằng: “Phải chi không giải phóng, thì miền Nam bây giờ đã phát triển như Hàn Quốc”. Với những người yêu nước và có lòng tự tôn dân tộc, chẳng ai chấp nhận một đất nước bị chia cắt, bị đô hộ để tơ tưởng sự giàu sang xa vời.

Nhìn lại hoàn cảnh lịch sử mùa Xuân 1975, nếu không có sự quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước từ Trung ương Đảng, của quân và dân ta thời bấy giờ, có lẽ đất nước Việt Nam sẽ còn chìm sâu trong chia cắt, chiến tranh, bạo động, bất ổn chính trị… Chắc chắn một điều rằng, sẽ khó có thể có được một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, ổn định như ngày nay, nếu chúng ta tiếp tục chấp nhận thỏa hiệp chia cắt Bắc - Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 không lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, rồi đế quốc Mỹ can thiệp, khiến đất nước liên tục bị chia cắt. Giành thắng lợi trước quân xâm lược Pháp bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (quân Pháp đầu hàng ngày 7/5/1954), phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tạo được lợi thế trên bàn đàm phán tại hội nghị Giơ-ne-vơ (tổ chức ở Giơ-ne-vơ - Thụy Sĩ, bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương). Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết ngày 20/7/1954, đánh dấu thắng lợi của cách mạng Việt Nam khi Chính phủ Pháp đã thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, thừa nhận quân đội Pháp sẽ rút khỏi Việt Nam… Tuy nhiên, trước mưu đồ, tham vọng và sự o ép của một số nước lớn trên bàn đàm phán, Việt Nam phải chấp nhận tạm thời chia cắt 2 miền bằng vĩ tuyến 17, chờ tổng tuyển cử ở cả 2 miền (dự kiến năm 1956) để thành lập Chính phủ thống nhất.

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký nhưng điều kiện thi hành rất mong manh. Sau khi Chính phủ Pháp thông báo rút hết quân viễn chinh ở miền Nam Việt Nam về nước (ngày 14/5/1956), rũ bỏ trách nhiệm tổ chức tổng tuyển cử cho Việt Nam, Mỹ lập tức thay chân Pháp đưa quân vào xâm lược, tìm cách phá bỏ hiệp định để chia cắt Việt Nam. Nhằm phản đối việc Mỹ đổ quân vào Việt Nam, trong bài chính luận “Sách Trắng của Mỹ” đăng trên Báo Nhân Dân (số 3992), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, trong Điều 17, 18, 19 và trong Điểm 4, 6 đã quy định rõ ràng: Cấm không được đưa vào Việt Nam các thứ vũ khí nước ngoài. Cấm không được xây dựng căn cứ quân sự mới trên lãnh thổ Việt Nam. Cấm nước ngoài không được lập căn cứ quân sự ở Việt Nam. Cấm đưa binh lính, nhân viên quân sự và vũ khí đạn dược nước ngoài vào Việt Nam. Giới tuyến 17 là tạm thời, không phải là giới tuyến chính trị, hoặc giới tuyến lãnh thổ; Việt Nam sẽ thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do khắp cả nước vào năm 1956”.

Thấy rõ ý đồ của Mỹ, trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ”. Người khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”.

Ngày 13/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố khi trả lời Hãng thông tấn AP (Mỹ): “Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ đấu tranh mạnh hơn để cho có tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước. Đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 thừa nhận… Đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam là một khối, cần được thống nhất. Không thể chia cắt Việt Nam làm 2 nước riêng biệt, cũng như không thể chia cắt Hoa Kỳ thành 2 nước riêng biệt…”.

Có thể thấy, ý đồ và dã tâm của đế quốc Mỹ khi can thiệp quân sự vào miền Nam là rất rõ ràng. Mỹ đang muốn biến miền Nam Việt Nam thành bàn đạp, cố tình chia cắt Việt Nam để xây dựng thành căn cứ địa, tiến công vào thành trì CNXH. Giữa tham vọng, thỏa hiệp vì lợi ích của các nước lớn, chẳng có đế quốc, ngoại bang nào “tốt bụng” muốn xây dựng miền Nam Việt Nam thành cường quốc phát triển, nhân dân sung sướng, giàu sang như một số kẻ ngồi “mơ mộng”, hồi tưởng hão huyền về quá khứ.

Có người đặt giả thuyết: “Nếu không có ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, miền Nam ngày nay có thể đã phát triển như Hàn Quốc”. Thưa rằng, nếu không quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chưa biết miền Nam sẽ ra sao nhưng chắc chắn một điều rằng, không thể có hòa bình, độc lập, tự do như ngày nay.

Chỉ cần tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, dễ thấy nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa cho đến 1975 gần như không có nội lực gì, phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ. Trường hợp Mỹ không còn viện trợ kinh tế ồ ạt mỗi năm hơn nửa tỷ USD, miền Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Với thực trạng tham nhũng kinh khủng, cùng hệ thống quân phiệt của đám tướng mà ngay cả Tổng thống Mỹ Johnson lúc ấy còn gọi là “the thugs” (đám côn đồ), thì Việt Nam Cộng hòa không thể so được với Hàn Quốc hay Hồng Kông. Hơn nữa, bối cảnh mỗi quốc gia, dân tộc mỗi khác, không thể cứ ngồi đó mà tặc lưỡi “phải chi”, “nếu như”, rồi tự vẽ ra thứ hào quang trong tưởng tượng.

Nếu là một người yêu nước thật sự, tại sao không tập trung suy nghĩ, đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng đất nước, quê hương hôm nay phát triển? Giá trị của chiến thắng 30/4/1975 được trả lại bằng độc lập, tự do, thống nhất; không phải chịu cảnh đô hộ, chia cắt, lầm than. Đó là kết quả của biết bao mồ hôi, xương máu của cha ông đã đổ xuống. Phủ nhận giá trị lịch sử rồi ngồi đó tưởng tượng “nếu… thì” theo kiểu suy diễn là có tội với đất nước, với nhân dân!

N.H