Khuyến khích nông dân Phú Tân tham gia Đề án 1 triệu héc-ta

05/11/2024 - 06:50

 - “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (gọi tắt là Đề án 1 triệu héc-ta) nhận được sự đồng thuận của các ngành, các cấp, nhất là nông dân huyện Phú Tân. Bước đầu, đề án đã thay đổi tập quán sản xuất, tiếp cận quy trình canh tác mới, nâng cao chất lượng cây lúa.

Được thí điểm 50ha tại Hợp tác xã nông nghiệp Phú Thạnh, mô hình áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” đang kết hợp công nghệ trồng hoa sinh thái, phương pháp sạ bằng máy, phun drone… Hàng tuần, cán bộ kỹ thuật và nông dân thăm đồng hướng dẫn nhận dạng sâu bệnh, thiên địch, đề ra hướng xử lý hiệu quả nhất. Nông dân Nguyễn Thành Lộc cho hay, so với sản xuất truyền thống, các chi phí về phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật đều giảm đáng kể. Hầu hết nông dân trong mô hình mong muốn tiếp tục được hỗ trợ sản xuất vụ tiếp theo, mở rộng diện tích trên toàn xã.

Tại xã Hiệp Xương, mô hình sử dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân tham gia Đề án 1 triệu héc-ta thực hiện trên 15ha, áp dụng kỹ thuật theo quy trình chuẩn: Xử lý rơm rạ bằng nấm vi sinh trước sạ trước 10 ngày; tưới ngập khô xen kẽ; đo đạc và báo cáo phát thải khí nhà kính; rút nước ở từng giai đoạn sau sạ… Nông dân đã giảm lượng giống gieo sạ từ 110 - 160kg, tiết kiệm từ 1,6 - 2,4 triệu đồng; áp dụng bón vùi phân tiết kiệm tiền gần 450.000 đồng/ha, chỉ phun thuốc trừ sâu 1 lần, thuốc trừ bệnh giảm 1,5 lần.

Nông dân tham quan mô hình thí điểm

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo cho biết, tinh thần quán triệt từ Đảng bộ, chính quyền đến cơ sở là quyết tâm vận động nông dân thực hiện thắng lợi Đề án 1 triệu héc-ta. Khi tỉnh phát động và triển khai mô hình thí điểm, địa phương tích cực tham gia sớm để có sự chủ động ngay từ đầu. Từ đó, tạo nền tảng xây dựng niềm tin cho nông dân, thay đổi tập quán, thực hiện đồng bộ quy trình… Lãnh đạo huyện và ngành nông nghiệp đều chọn vụ thu đông – vụ khó khăn nhất về thời tiết - để thí điểm, có sự đảm bảo đồng hành của 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp). Mô hình thành công sẽ mở ra triển vọng cho vụ đông xuân sắp tới thêm tươi sáng.

“Thời gian qua, sản xuất lúa, nếp tại huyện Phú Tân tích cực áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật, như: “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm”; sạ giống hàng, thu gom và xử lý rơm rạ… Tuy nhiên, chưa có đề án nào đồng bộ hướng đến mục tiêu, lợi nhuận cho nông dân trực tiếp như Đề án 1 triệu héc-ta. Chúng tôi rất mong muốn bà con nông dân thấy được điều này. Qua đánh giá mô hình thí điểm ở xã, thị trấn, thành công về mặt định lượng nhờ giảm giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón… giúp nông dân tiết kiệm trung bình 5 triệu đồng/ha. Thắng lợi trong tầm tay là năng suất không thua kém sản xuất truyền thống, lúa sản xuất được liên kết bao tiêu giúp bà con an tâm đầu ra” – ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ.

Năm 2024, toàn huyện Phú Tân thực hiện 100ha trong Đề án 1 triệu héc-ta. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 65ha, ngân sách huyện hỗ trợ 35ha, với 73 nông dân tham gia tại 7 xã, thị trấn; 70ha sản xuất có liên kết đầu ra cho nông dân. Đến nay, 24 lớp tập huấn được tổ chức cho nông dân nắm rõ quy trình sản xuất; 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hợp tác xã tại xã Hiệp Xương. Vụ đông xuân 2024 - 2025, huyện Phú Tân phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 676ha, nhân rộng ở những vùng thuận lợi. Trong đó, lắp đặt 15 phần mềm ghi chép nhật ký sản xuất điện tử, đăng ký tham gia tín chỉ carbon tổng diện tích 386ha với 228 doanh nghiệp tại 6 xã: Hiệp Xương, Phú Thạnh, Phú An, Hòa Lạc, Phú Bình, Phú Thành và thị trấn Chợ Vàm.

Các mô hình thí điểm được lãnh đạo huyện và ngành chuyên môn theo dõi, liên tiếp tổ chức hội thảo, sơ, tổng kết đánh giá kết quả, thuận lợi, khó khăn. Trên cơ sở đó, địa phương tuyên truyền, thay đổi nhận thức của nông dân nhằm chuyển biến tập quán sản xuất, đồng thuận tham gia vào đề án. Lãnh đạo huyện còn dành thời gian lắng nghe tâm tư, trăn trở của nông dân qua các buổi gặp gỡ, đối thoại với nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi, nông dân tiêu biểu có uy tín ở cơ sở. Kết quả bước đầu rất đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn pháp lý về mua bán tín chỉ carbon chưa rõ ràng; việc thu gom rơm sau thu hoạch, tập quán lâu đời… nên nông dân chưa mạnh dạn tham gia.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Hiệp khẳng định, Đề án 1 triệu héc-ta nhận được sự quan tâm rất lớn của các tỉnh khu vực ĐBSCL. Vượt qua khó khăn ban đầu, hiện tại đã đánh giá được hiệu quả tích cực. Không dừng lại ở mô hình, năm 2025, các địa phương đăng ký tiếp tục tăng diện tích sản xuất. Do đó, rất cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, bám sát mô hình thí điểm, trên cơ sở thực tế vừa làm, vừa đánh giá rút kinh nghiệm và cùng nông dân nhân rộng. Các mô hình có sự tham gia đầy đủ của nhiều thành phần, đặc biệt là tổ khuyến nông cộng đồng, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trực tiếp đồng hành với nông dân.

MỸ HẠNH