Kiến nghị hỗ trợ An Giang phát triển nông nghiệp

30/07/2021 - 06:58

 - Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thời tiết, khí hậu, nguồn nước, thuận lợi phát triển nông nghiệp nhưng để khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế, An Giang cần hỗ trợ của Trung ương về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, giới thiệu doanh nghiệp (DN) lớn đầu tư… Qua đó, giúp tỉnh triển khai có hiệu quả đề án giống cá tra 3 cấp, xây dựng thương hiệu lúa, nếp, ứng phó bền vững với sạt lở…

Triển vọng cá tra giống

Tháng 2-2017, tại buổi làm với tỉnh An Giang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã kết luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung xây dựng tỉnh An Giang trở thành trung tâm sản xuất các giống lúa, thủy sản của vùng ĐBSCL. Thủ tướng giao tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp triển khai đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”.

Qua thời gian triển khai giống cá tra 3 cấp, An Giang đạt nhiều kết quả quan trọng, thu hút nhiều DN lớn đầu tư, hình thành được những chuỗi liên kết, cung cấp ra thị trường con giống cá tra chất lượng. Để đề án đạt hiệu quả như mong muốn, UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tiếp tục hỗ trợ, bổ sung thay thế dần đàn cá tra bố mẹ được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh cho tỉnh. Từ đó, phân bổ cho các cơ sở sản xuất cá tra bột tham gia chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp của tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư theo đề án đã được phê duyệt, An Giang đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, hỗ trợ vốn đầu tư triển khai thực hiện dự án “Đầu tư nâng cấp Trung tâm giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang” (dự án ưu tiên thuộc đề án), gồm hợp phần đầu tư nâng cấp Trung tâm và đầu tư phòng thí nghiệm di truyền chọn giống cá tra tại An Giang.

Cần hỗ trợ đầu tư cụm, tuyến dân cư cho vùng bị sạt lở

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, hiện nay, cồn Chính Sách (tỉnh Đồng Tháp) và cồn Vĩnh Hòa (tỉnh An Giang) nằm giữa sông Tiền, có diện tích tự nhiên khoảng 500ha, thuận lợi về nguồn nước ngọt (đầu nguồn sông Tiền) để ương dưỡng giống thủy sản các loại, đặc biệt là giống cá tra, loài thủy sản đặc hữu thế mạnh của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ sản xuất nơi đây chưa được đầu tư (hệ thống điện 3 pha, hệ thống giao thông, thủy lợi, đê bao bảo vệ sản xuất...) nên chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn, sản xuất theo hướng công nghệ cao.

Do sự thay đổi dòng chảy sông Tiền đang gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng phía đầu cồn Chính Sách. Vì vậy, việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng khung ở khu vực này để bảo vệ và phục vụ vùng sản xuất là rất cần thiết. Bộ NN&PTNT cần xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư dự án “Liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao cồn Chính Sách (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) và cồn Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang)”.

Ổn định dân cư vùng sạt lở

Lúa gạo và cá tra được xác định là 2 trong số những sản phẩm chiến lược của quốc gia, sản phẩm thế mạnh của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quỹ bình ổn giá đối với 2 sản phẩm này, từ đó giúp ngành hàng lúa gạo và cá tra tránh được những tác động bất lợi của thị trường, đưa ngành hàng phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, xem xét cho chủ trương để An Giang xây dựng Đề án “Sản xuất lúa giống phục vụ chuỗi giá trị lúa gạo bền vững vùng ĐBSCL”, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu và giúp phát huy lợi thế sẵn có về sản xuất lúa gạo, huy động các thành phần kinh tế tham gia từ công tác giống đến sản xuất - tiêu thụ lúa gạo.

An Giang đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ giới thiệu các DN, các tập đoàn lớn đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư nhà máy chế biến rau, củ, quả… góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.

Trước tình hình sạt lở đất bờ sông ngày càng diễn biến phức tạp, UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ xem xét, hỗ trợ tỉnh An Giang khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện khẩn cấp 6 dự án xử lý sạt lở, nhằm sớm thực hiện khắc phục tình trạng sạt lở tiếp tục kéo dài và hoàn chỉnh công trình phòng, chống thiên tai, công trình xử lý sạt lở.

Tiếp tục nghiên cứu đề xuất chương trình mới thay thế Quyết định 1776/QĐ-TTg, ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020” (đến năm 2020, đã hết chương trình).

Đồng thời, xem xét hỗ trợ An Giang xây dựng các cụm, tuyến dân cư cho các hộ dân trong vùng sạt lở nghiêm trọng theo Chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí khoảng 1.465 tỷ đồng (UBND tỉnh An Giang đã từng đề xuất tại Công văn 545/UBND-KTTH, ngày 21-5-2020).

NGÔ CHUẨN