Kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ tham nhũng

22/01/2018 - 14:35

Sáng 22-1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tiến hành Phiên họp thứ 13. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Phiên họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo cho ý kiến về kết quả hoạt động năm 2017, trong đó tập trung làm rõ những ưu điểm, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn công tác; đồng thời xác định nhiệm vụ trọng tâm, chương trình công tác của Ban Chỉ đạo trong năm 2018. 

Trình bày tại Phiên họp, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nêu bật những kết quả công tác đạt được trong năm 2017. Theo đó, với sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, kịp thời, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo và các đồng chí Phó Trưởng ban chỉ đạo, sự nỗ lực cố gắng, trách nhiệm cao của các thành viên Ban Chỉ đạo, sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các cơ quan chức năng, sự nỗ lực cố gắng vượt bậc của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương, những nội dung trong chương trình công tác của Ban Chỉ đạo đã được thực hiện nghiêm túc, hoàn thành theo kế hoạch, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ, không có "vùng cấm", không có "ngoại lệ" trong công tác phòng, chống tham nhũng, được nhân dân tin tưởng, phấn khởi, đồng tình cao, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. 

Phát biểu kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh các thành viên Ban Chỉ đạo đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, thể hiện sự đồng tình thống nhất cao về đánh giá kết quả công tác năm 2017; định hướng công tác và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Trong những thành tựu chung toàn diện trên các lĩnh vực của đất nước, công tác phòng chống tham nhũng đã có những bước chuyển rất mạnh mẽ. Ban Chỉ đạo tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, với cách làm bài bản, nghiêm túc, trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không làm thay cơ quan chức năng, mà định hướng, tạo đà cho các cơ quan chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt với quyết tâm cao; các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng. Vì vậy, kết quả đạt được rất rõ nét, được nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế, tạo được dấu ấn tốt, lan tỏa rộng rãi, củng cố niềm tin trong nhân dân. 

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định về công tác kiểm tra giám sát, phân cấp quản lý, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ… đã được ban hành, nhằm cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, đồng thời có căn cứ để phát hiện và xử lý các sai phạm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường, qua đó phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Ban Chỉ đạo đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 20 địa phương; quyết liệt chỉ đạo điều tra, truy tố các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm. 

Các cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, với mức án nghiêm khắc, công khai, minh bạch, nhân văn. Nhiều vụ trước đây chưa làm được thì nay đã làm được, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận xã hội. Sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng, các bộ, ngành chức năng trong phát hiện, làm rõ, xử lý sai phạm và tội phạm ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả. Vai trò của các cơ quan báo chí được phát huy. Việc chủ động công khai thông tin về: kết quả kiểm tra, xử lý các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên sai phạm; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, được nhân dân đồng tình ủng hộ. 

Về nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác năm 2018 của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư nêu rõ, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế- xã hội và phòng, chống tham nhũng, tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật trong nhân dân, chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc; chỉ đạo quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc (tham nhũng vặt), kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, phải thanh lọc đội ngũ, trước hết là trong những ngành, cơ quan phòng chống tham nhũng. 

Tổng Bí thư yêu cầu tập trung chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. 

Tổng Bí thư nhấn mạnh, năm 2017 đã làm được nhiều việc, nhưng năm 2018 còn nhiều việc phải làm. Công tác phòng, chống tham nhũng cần tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm cao hơn, bền bỉ, kiên trì, hiệu quả hơn. Có như vậy, mới củng cố được niềm tin trong nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Theo NGUYỄN SỰ - QUỲNH HOA (TTXVN)