Kim ngạch xuất khẩu cá tra vượt xa kỳ vọng

07/11/2022 - 06:31

 - Nhờ tăng tốc xuất khẩu trong những tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước trong năm 2022 dự kiến đạt 2,5-2,6 tỷ USD, tăng gấp nhiều lần so cùng kỳ năm 2021, vượt so kỳ vọng đặt ra.

Sản lượng tăng

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 đạt xa chỉ tiêu, mục tiêu đề ra là tín hiệu vui, minh chứng cho sự thành công của Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình. Theo đó, một trong những quan điểm được đưa ra từ chương trình này là kiên trì, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và tính hiệu quả của nền kinh tế; đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển KTXH trước mắt cũng như lâu dài.

Từ quan điểm đó, trong năm 2022, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ với các chính sách vĩ mô khác, kiểm soát chặt chẽ lạm phát để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo đà cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cả nước, trong đó có DN xuất khẩu cá tra nhanh chóng kết nối lại chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu. Với cách làm linh hoạt đó, tình hình xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng ở tất cả các thị trường, đưa kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm 2022 vượt so kỳ vọng.

Cá nguyên liệu có kích cỡ từ 0,8 - 1kg được thị trường ưa chuộng

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cá tra của DN cả nước trong tháng 9/2022 đạt 164 triệu USD, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến (từ 2-3 lần so cùng kỳ năm 2021), như: Trung Quốc, Brazil, Thái Lan, Anh, Hà Lan, Australia, Singapore… Trong số này, ấn tượng nhất là xuất khẩu cá tra sang thị trường Đức và Peru. Lũy kế 9 tháng của năm 2022, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt gần 2 tỷ USD, tăng 83% so cùng kỳ năm 2021 và dự kiến đến cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đạt từ 2,5-2,6 tỷ USD.

Giá cũng tăng

“Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến khích DN, nông dân đẩy mạnh liên kết trong nuôi cá giống lẫn cá thịt, phục vụ xuất khẩu. Qua mối liên kết này, chúng ta sẽ kiểm soát chất lượng con giống, cá thương phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, giúp việc xuất khẩu cá tra phát triển bền vững…”- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết.

Sản phẩm chủ lực được các DN xuất nhiều là cá tra phi-lê/cắt khúc đông lạnh mã 0304, sản phẩm này xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD, chiếm 87% sản lượng xuất khẩu. Cá tra tươi, nguyên con mã 03 chiếm 12%, đạt 235 triệu USD, còn lại là các sản phẩm cá tra chế biến chiếm 2%, với 138 triệu USD. Tại An Giang, trong 10 tháng của năm 2022, các DN xuất khẩu trong tỉnh đã xuất 108.550 tấn, tương đương hơn 264 triệu USD, so cùng kỳ tăng 13,88% về sản lượng và tăng 14,5% về kim ngạch.

Các DN trong tỉnh xuất khẩu mạnh sau dịch COVID-19, gồm: Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico), Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cửu Long, Công ty Cổ phần Thực phẩm Hưng Phúc Thịnh (kinh doanh xuất khẩu thủy sản)... Ngay sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, những DN này đã nhanh chóng kết nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Một mặt đẩy mạnh nuôi cá thương phẩm để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào; mặt khác tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, tăng doanh thu từ xuất khẩu.

Đến nay, mặt hàng cá tra phi-lê của các DN trong tỉnh đã xuất sang 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, giải quyết lao động tại địa phương có việc làm ổn định. 10 tháng của năm 2022, giá xuất cá tra vào thị trường Hoa Kỳ đạt 4,21 USD/kg, tăng 54% so cùng kỳ năm 2021. Hoa Kỳ trở thành một trong 4 thị trường tiêu thụ cá tra nhiều nhất thế giới. Sau Hoa Kỳ là thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, Liên minh Châu Âu (EU) và thị trường Châu Á.

Chỉ tính riêng Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico), hưởng ứng Chương trình phục hồi và phát triển KTXH của Chính phủ, những tháng đầu năm 2022, DN này đẩy mạnh xuất khẩu, đạt bình quân mỗi tháng 1,1 triệu USD. Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2022, Navico xuất khẩu đạt 44,4 triệu USD, tăng 43,7% so cùng kỳ năm 2021. Đây là một trong “tốp 5” DN xuất khẩu cá tra lớn nhất của cả nước. 4 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Navico đạt 1.644 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 323 tỷ đồng, đạt 45% mục tiêu cả năm.

Doanh nghiệp tiếp tục thả nuôi để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, phục vụ chế biến xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 vượt xa so kỳ vọng, đây được xem là nỗ lực lớn của cộng đồng DN cả nước nói chung, An Giang nói riêng. Sản lượng và giá xuất khẩu tăng, từ đó làm cho giá cá nguyên liệu trong nước cũng tăng. Tuy nhiên, giá có tăng nhưng người nuôi đạt lợi nhuận thấp, bởi giá thành nuôi gần bằng với giá bán ra.

“Thời gian qua, giá thức ăn cá tra liên tục tăng (theo giá xăng, dầu, giá vận chuyển), từ đó lợi nhuận của người nuôi cá tra thịt cũng như cá giống rất thấp, thậm chí có hộ nuôi liên tục thua lỗ do cá hao hụt nhiều. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có chương trình bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để nông dân có được lợi nhuận tốt hơn…” - ông Trần Văn Tuấn (nông dân xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) kiến nghị.

“Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, tình hình xuất khẩu cá tra nhanh chóng phục hồi và phát triển, 4 thị trường lớn đã nhập khẩu mạnh cá tra trở lại. Mặc dù giá xuất có tăng nhưng lợi nhuận giảm do chi phí đầu vào tăng, làm cho giá thành sản phẩm tăng cao. Trong bối cảnh đó, chúng tôi vẫn duy trì sản xuất để giữ chân công nhân, giữ vững thị trường, cùng các DN trong nước phấn đấu thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chính phủ đề ra trong điều hành kinh tế vĩ mô…” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

MINH HIỂN