Janice Lee, nhà khoa học dự án sáng kiến chiến lược tại Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian ở Baltimore, cho biết: “Những hình ảnh mới của JWST thật phi thường. Chúng gây kinh ngạc ngay cả đối với các chuyên gia vốn đã nghiên cứu những thiên hà này trong nhiều thập kỷ qua. Từ khối bong bóng phân tử cho đến các dòng bụi liên sao được ghi lại ở độ chi tiết chưa từng có, chúng phần nào phản ánh được chu trình hình thành sao trong các thiên hà xoắn ốc”.
Các hình ảnh cũng cho thấy những làn bụi phát sáng màu cam, được chụp bằng Thiết bị hồng ngoại cỡ trung (MIRI) của JWST. Thiết bị cũng chụp được các ngôi sao vẫn đang trong quá trình hình thành, chúng được bao bọc trong các lớp khí và bụi phân tử.
Tại thiên hà xoắn ốc NGC 7496, cách Trái đất khoảng 24 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Grus, hàng triệu ngôi sao trưởng thành được nhìn thấy trong bức ảnh dưới dạng những viên ngọc sáng màu xanh lam, chúng thay nhau tỏa sáng qua các làn khí bụi phân tử màu cam. Một số ngôi sao màu xanh này tập hợp lại với nhau, trong khi những ngôi sao khác nằm rải rác khắp thiên hà chủ của chúng.
Trong khi đó, thiên hà xoắn ốc NGC 5068 nằm cách Trái đất khoảng 20 triệu năm ánh sáng bị chi phối bởi các lỗ và khoảng trống đen, chúng có thể đã được dọn sạch bởi vụ nổ các ngôi sao lớn trước đó, tạo ra những lỗ trống khổng lồ giữa các vì sao.
Còn NGC 628, một thiên hà xoắn ốc nằm cách chòm sao Pisces khoảng 32 triệu năm ánh sáng gây ấn tượng mạnh, với các cánh tay xoắn ốc khổng lồ đang phun ra khí và bụi giống như những vệt sơn phun màu cam sáng ra vùng không gian xung quanh.
Ngoài ra, một số thiên hà được JWST quan sát trong chương trình thăm dò này cho thấy các gai nhiễu xạ màu hồng và đỏ lan rộng khắp khu vực trung tâm của chúng. Điển hình là thiên hà xoắn ốc NGC 1365 nằm cách Trái đất khoảng 56 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Fornax, vật thể này nổi bật với các gai nhiễu xạ màu hồng có thể chỉ ra một lỗ đen siêu lớn đang hoạt động ở trung tâm thiên hà chủ.