Lãnh đạo tỉnh tăng cường đôn đốc thi công các dự án, công trình trọng điểm của quốc gia và tỉnh
Những “tín hiệu” tích cực
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tỉnh tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được đặc biệt chú trọng.
Ngay từ đầu năm, tỉnh đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được Trung ương giao, tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; lên kế hoạch tổ chức các cuộc kiểm tra công trình trọng điểm, thúc đẩy tiến độ công trình. Giá trị giải ngân các kế hoạch vốn năm 2024 (kể cả vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024) đến hết tháng 3 ước đạt 1.458 tỷ đồng, đạt 18,06% kế hoạch vốn đã giao.
Sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm 2024 phục hồi và phát triển mạnh. Các doanh nghiệp (DN), cơ sở hoạt động sản xuất đẩy mạnh hoạt động để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Ước giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh) trong 3 tháng năm 2024 đạt 10.520 tỷ đồng. Ước chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,9% so cùng kỳ.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản chủ lực tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh, như: Xuất khẩu gạo đạt 113.300 tấn, tương đương 68 triệu USD, so cùng kỳ tăng 2,77% về sản lượng và tăng 12,14% về kim ngạch. Xuất khẩu thủy sản đông lạnh đạt ước 41.000 tấn, tương đương 80,6 triệu USD, so cùng kỳ tăng 1,48% về sản lượng và tăng 3,31% về kim ngạch. Rau quả đông lạnh đạt 36.000 tấn, tương đương 16,3 triệu USD, so cùng kỳ tăng 10% về kim ngạch.
Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Ước doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 55.430 tỷ đồng, tăng 14,05% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 20.272 tỷ đồng, tăng 13,64% so cùng kỳ; doanh thu các ngành dịch vụ đạt 7.950 tỷ đồng, tăng 17,33% so cùng kỳ.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, hoạt động thu hút đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn. Tình hình đăng ký DN mới có tăng, song vẫn còn nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 245 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 425 tỷ đồng, so cùng kỳ số DN đăng ký tăng 14,22%, vốn đăng ký giảm 23,32%; 162 DN hoạt động trở lại, tăng 4,85%.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, từ nay đến cuối năm, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực vượt khó, phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển KTXH theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Theo đó, tiếp tục triển khai nhanh và hiệu quả những chính sách, giải pháp theo các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ và thương mại, xuất khẩu, như: Tiếp tục tập trung nghiên cứu thực hiện đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Xây dựng thêm các liên kết sản xuất và tiêu thụ mới cả trên giống và thương phẩm, đồng thời mở rộng quy mô các liên kết đã ký kết.
Thường xuyên nắm bắt, theo dõi tình hình sản xuất của các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các DN, cơ sở sản xuất. Xây dựng kế hoạch, bảo đảm cung ứng đủ điện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tập trung bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng; bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và vốn đối ứng cho các dự án ODA. Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới trong năm 2024. Tập trung giải ngân số vốn kế hoạch bố trí năm 2024 đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, vốn dự phòng ngân sách Trung ương. Tập trung nguồn lực về vốn, vật liệu và con người trong việc thực hiện Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Kiên quyết xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu thi công chậm trễ, thiếu trách nhiệm.
Thương mại - dịch vụ tăng trưởng khá
Các sở, ngành hỗ trợ DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh tiếp cận các thông tin về thị trường, các hiệp định thương mại tự do. Thường xuyên rà soát, cập nhật các quy định hiện hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Đẩy mạnh chính sách tiêu dùng, kích cầu tiêu thụ trong nước, khai thác hiệu quả thị trường nội địa.
Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực; thực hiện các giải pháp cắt giảm và đơn giản hóa quy trình, tập trung thực hiện các giải pháp để cải thiện xếp hạng chỉ số môi trường cạnh tranh cấp tỉnh một cách thực chất, hiệu quả nhất. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN đến với tỉnh An Giang…
“Các sở, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các nhóm động lực tăng trưởng. Từ đó, đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu. |
THU THẢO