Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp

30/03/2024 - 08:01

Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện trên cả 3 lĩnh vực: Chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật; đặc điểm nổi bật là sự chủ động, sáng tạo, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc địch phải bị động đối phó, hạn chế chỗ mạnh của địch về quân số, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao. Chiến thắng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu và vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ).

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách về chiến dịch Điện Biên Phủ bên lề Hội thảo. (Ảnh: Nguyên Hải ).

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sách về chiến dịch Điện Biên Phủ bên lề Hội thảo. (Ảnh: Nguyên Hải ).

Khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của QĐND Việt Nam

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử ĐBP (7/5/1954 - 7/5/2024), mới đây Học viện Chính trị đã phối hợp với Báo QĐND và Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng ĐBP - Giá trị lịch sử và tầm vóc thời đại”.

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND) nhấn mạnh: Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn của Chiến thắng ĐBP, đến nay đã có hàng trăm cuốn sách, hàng vạn bài viết, nhiều hội thảo, hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm chiến đấu, nhiều công trình khoa học ở Việt Nam và nước ngoài phân tích, lý giải ý nghĩa của chiến thắng, bàn luận về nguyên nhân sức mạnh mà quân và dân Việt Nam đã làm nên Chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”.

Tuy nhiên, với tầm vóc lớn lao và ý nghĩa đặc biệt sâu sắc của Chiến thắng ĐBP trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ, hiện nay vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết sâu sắc, toàn diện xứng tầm trên cơ sở thực tiễn, khách quan, khoa học.

Ban Tổ chức đã nhận được hơn 70 bài tham luận tham gia hội thảo. Các tham luận tập trung khẳng định vai trò to lớn, tài thao lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy trong chiến dịch ĐBP. Các tham luận đi sâu phân tích và khẳng định, Chiến thắng ĐBP là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện trên cả ba lĩnh vực: Chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, đặc điểm nổi bật là sự chủ động, sáng tạo, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó, hạn chế điểm mạnh của địch về quân số, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao.

Chiến thắng ĐBP đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của QĐND Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh, càng mạnh, càng đánh, càng trưởng thành. Trong quá trình chiến đấu cũng như chuẩn bị chiến dịch, với bản chất và truyền thống tốt đẹp của đội quân “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu”, các cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, tìm mọi cách vượt qua thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đồng thời, các tham luận đi sâu phân tích, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc về đường lối kháng chiến; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy nhân tố chính trị, tinh thần; khoa học nghệ thuật quân sự, công tác chính trị - tư tưởng, công tác tham mưu tác chiến, hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, binh chủng.

Quy tụ lòng yêu nước, ý chí quyết tâm toàn dân tộc

Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Bùi Đức Hiền, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định, thắng lợi của chiến dịch ĐBP là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có hoạt động khống chế đường không, bao vây trên không, cắt đứt cầu hàng không, chặn đường tiếp vận của địch cho tập đoàn cứ điểm ĐBP.

Để đánh bại các thủ đoạn trên không của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chỉ đạo các lực lượng tập trung bao vây khống chế cầu hàng không của địch ở cả hai đầu vận chuyển: Đánh địch ngay từ căn cứ xuất phát ở hậu phương kết hợp với đánh địch ở chiến trường ĐBP. Ta tổ chức từng đơn vị đặc công nhỏ, tinh nhuệ, tập kích táo bạo, bất ngờ vào các sân bay, căn cứ, kho tàng, những nơi có sinh lực cao cấp và các loại vũ khí, trang bị hiện đại của địch liên quan đến nguồn cung cấp tiếp vận cho tập đoàn cứ điểm ĐBP. Điển hình là những trận ta tập kích vào các sân bay Đồ Sơn, Cát Bi, Gia Lâm, gây tổn thất lớn cho địch, làm giảm sút khả năng hoạt động tiếp vận ở các đầu cầu hàng không. Hơn 80 máy bay địch đã bị phá hủy, nhiều kho xăng, dầu và kho bom bị cháy.

Cùng với đó, lực lượng pháo binh pháo kích khống chế sân bay Mường Thanh, Hồng Cúm, không cho địch hạ cánh, buộc phải thả dù tiếp vận trên không. Các đơn vị phối hợp, đánh chế áp địch, triển khai trận địa tạo vùng hỏa lực phòng không khống chế đường không của địch; đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, khống chế máy bay, đoạt dù tiếp tế, triệt nguồn tiếp vận bằng đường không của địch.

Trong chiến dịch ĐBP, lực lượng phòng không đã cùng các lực lượng khác bắn rơi 62 máy bay và bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không tiếp vận của địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch.

Theo TS. Đặng Kim Oanh, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng, Chiến thắng ĐBP đã khơi dậy, quy tụ được lòng yêu nước, ý chí quyết tâm cao của toàn dân tộc. Chiến thắng ĐBP vừa mang ý nghĩa lịch sử to lớn, vừa mang tầm thời đại sâu sắc, để lại nhiều bài học có giá trị to lớn với sự nghiệp xây dựng, BVTQ hiện nay. Đặc biệt, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch ĐBP mãi là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Phát huy giá trị được đúc kết từ Chiến thắng ĐBP, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quán xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi trong truyền thống quý báu của dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và BVTQ.

Theo Báo Pháp Luật