Hiệu quả bước đầu
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, khi triển khai tại An Giang, DA VnSAT được thực hiện tại 4 huyện (Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên và An Phú), 27 xã nằm trong vùng DA, thu hút 21.363 hộ ND tham gia, với diện tích 32.182ha. Năm 2017, có thêm 2 tổ chức ND được thành lập mới từ DA gồm: Hợp tác xã (HTX) Bình Thành (Thoại Sơn) và Tổ hợp tác (THT) sản xuất NN Tân Lập (Tịnh Biên). Ban Quản lý DA VnSAT tỉnh An Giang (PPMU) đã tổ chức 365 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác lúa bền vững cho 9.457 hộ ND, với 13.823ha, 17 điểm trình diễn, với diện tích 31ha. Ngoài ra, còn tập huấn lớp FFS 6 ngày nhân giống xác nhận cho 128 ND trong vụ hè thu 2017. Áp dụng phương pháp trước - sau trên 120 hộ được chọn ngẫu nhiên để đánh giá tác động của DA, kết quả lợi nhuận trung bình mỗi hộ tăng 14% so với trước khi có DA. Qua kết quả đánh giá độc lập của Công ty Tư vấn PEAPROS, có 61% hộ áp dụng chương trình “3 giảm, 3 tăng” (3G3T, tương ứng 62% diện tích), 47,6% hộ áp dụng “1 phải, 5 giảm” (1P5G, tương ứng 48,5% diện tích).
Máy cấy lúa giúp giảm công lao động, tăng năng suất, giảm chi phí
Trong khuôn khổ DA VnSAT, Ban Quản lý các DA NN tỉnh và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thông qua danh mục hỗ trợ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho 5 THT/HTX với tổng kinh phí gần 34,8 tỷ đồng. Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, với 2 chiếc máy cấy lúa được trang bị năm 2018, Sở NN&PTNT giao Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi quản lý, khai thác sử dụng. “Trung tâm có thể triển khai dịch vụ cấy lúa thuê bằng máy như cách làm hiệu quả ở Thoại Sơn. Đối với Chi cục PTNT, có trách nhiệm tham mưu sở triển khai chính sách theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ các hộ ND, THT, HTX triển khai mua máy cấy” - ông Lâm chỉ đạo.
Hướng đến các mục tiêu lớn hơn
GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, DA là cơ hội để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. “Việc lạm dụng phân, thuốc hóa học đã làm cho các loại vi sinh có lợi cho cây lúa bị chết trong đất. ND có thói quen sạ dày, bón nhiều phân đạm khiến sâu bệnh xuất hiện nhiều hơn. Để xử lý, ND phải xịt thuốc hóa học nhiều khiến chi phí tăng. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã cho nhập về hơn 20 loại phân vi sinh, công bố danh mục những loại phân vi sinh khuyến khích sử dụng trong nước. Các kỹ thuật viên NN, ngành chuyên môn nên khuyến cáo người dân không sạ dày, hạn chế bón phân đạm, tăng cường sử dụng phân vi sinh để hỗ trợ các vi sinh vật có lợi sống lại, được hút lên cây, lá, giúp đề kháng sâu bệnh một cách tự nhiên. Khi chi phí sản xuất được kéo giảm xuống còn khoảng 2.200 - 2.500 đồng/kg, ND có lợi nhuận cao hơn, sẽ mạnh dạn tham gia DA VnSAT”- GS.TS Võ Tòng Xuân phân tích.
Chuyên gia về NN này cho rằng, nếu quyết tâm triển khai đúng hướng, DA VnSAT có thể hỗ trợ xây dựng những “cánh đồng mơ ước” rộng 500ha mà ở đó, lúa phát triển đều, đẹp, chất lượng gạo thơm ngon, sạch bệnh, đạt tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng thị trường tiêu dùng cao cấp trong nước và xuất khẩu. “Từng hộ ND đơn độc sẽ không thể xây dựng được những cánh đồng “trong mơ” như thế mà cần vai trò liên kết hợp tác. ND tham gia vào HTX để có diện tích sản xuất lớn, áp dụng cùng quy trình canh tác an toàn. Nhà nước kết nối HTX với doanh nghiệp để hợp đồng thu mua sản phẩm chất lượng với giá tốt, đảm bảo đầu ra và lợi nhuận ổn định cho ND” - GS.TS Võ Tòng Xuân gợi ý.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trương Kiến Thọ cho rằng, bên cạnh cây lúa, DA cần quan tâm đến những loại cây trồng có giá trị cao hơn. “Tôi lấy ví dụ như mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới ở An Phú. Với 1.000m2, sau 3 tháng trồng, ND thu hoạch được 2 tấn dưa lưới. Với giá bán tại chỗ từ 32.000-45.000 đồng/kg, ND có doanh thu hơn 70 triệu đồng/vụ. Bình quân mỗi năm canh tác 3 vụ, 1 công đất cho doanh thu trên 200 triệu đồng. Dĩ nhiên, không phải ở đâu cũng trồng dưa lưới, chúng ta có thể suy nghĩ đến những mô hình chuyển đổi khác trên đất lúa” - ông Thọ nhận xét.
Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, tỉnh có những chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cho các mô hình mới. Các địa phương, HTX tham gia DA VnSAT có thể đăng ký hỗ trợ mua máy cấy lúa để tăng hiệu quả sản xuất, tạo thành mô hình điểm thu hút nhiều ND tham gia.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN