Kỳ vọng vào nông nghiệp

04/03/2022 - 05:07

 - Mục tiêu tăng trưởng 2,7% của ngành nông nghiệp trong năm 2022 là khả thi, trong bối cảnh kinh tế được phục hồi, sản phẩm nông nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng. Tốc độ tăng trưởng này kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của An Giang.

Vượt khó ngoạn mục

Tại hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngày 2-3, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh, sự phối hợp nhiệt tình của các sở, ngành, địa phương, nỗ lực của bà con nông dân và doanh nghiệp (DN), ngành nông nghiệp An Giang đạt tốc độ tăng trưởng 2,22%, cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ (năm 2020 là 1,97%).

Tàu hải quân hỗ trợ vận chuyển nông sản cho An Giang thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát

Ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục khẳng định vai trò là nền tảng, bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế tỉnh vượt qua khó khăn. Điểm nổi bật của ngành là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với mùa vụ, diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Về liên kết sản xuất, năm 2021, DN liên kết 87.698ha lúa, nếp; khoảng 7.000ha hoa màu; 1.356ha cây ăn trái. Trong chăn nuôi, DN liên kết, tiêu thụ 1.832.800 con vật nuôi, 1.594ha thủy sản (cá tra thương phẩm, lươn, ếch, cá lóc…).

Năm 2021, An Giang đã sáng tạo thành lập các Tổ phản ứng nhanh cấp xã, huyện và Tổ Xúc tiến tiêu thụ nông sản tỉnh, ngay trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh nhất, để hạn chế ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra. Nhờ vậy, cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh và hội nhập quốc tế. Thời điểm thu hoạch vụ hè thu 2021 rơi ngay vào đợt giãn cách xã hội, nhưng hầu hết mặt hàng nông sản đều được hỗ trợ tiêu thụ.

Chuyển đổi phù hợp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, 2022 là năm thứ 2 của thời kỳ kế hoạch 5 năm (2021-2025), có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2025. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục phấn đấu phát triển theo chiều sâu, tập trung vào tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ và tăng cường sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng được chứng nhận, lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

An Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản phẩm chủ lực có quy mô lớn, để gia tăng lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, thúc đẩy sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn và yêu cầu thị trường. Tỉnh tập trung đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, lấy hợp tác xã, tổ hợp tác làm nòng cốt để tổ chức sản xuất, liên kết với DN theo chuỗi giá trị. Đồng thời, thúc đẩy phát triển ngành chế biến trái cây của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững...

Về định hướng phát triển, ông Trần Anh Thư cho biết, trước nhất, xây dựng nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển hiện đại theo công nghệ 4.0, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp luôn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân.

Năm 2022, ngành nông nghiệp An Giang đề ra mục tiêu tiếp tục phấn đấu tăng trưởng thêm 2,7% so năm 2021, tương đương giá trị tăng thêm 1.380 tỷ đồng. Trong đó, trồng trọt tăng 580 tỷ đồng, chăn nuôi tăng 180 tỷ đồng, thủy sản tăng 600 tỷ đồng. Để tăng đều ở cả 3 lĩnh vực, đối với thủy sản, sẽ tăng sản lượng cá tra, cá giống và các loài cá có giá trị kinh tế khác. Đối với trồng trọt, dự kiến giảm 5.000ha vụ lúa thu đông 2022. Nhưng bù lại, tăng giống lúa chất lượng cao, nâng giá trị hạt lúa, đồng thời tăng sản lượng thu hoạch cây ăn trái (đã trồng từ những năm trước). Đối với chăn nuôi, tăng mạnh chăn nuôi heo thịt, gà thịt theo hướng trang trại, gia trại.

An Giang sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái phù hợp, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung giai đoạn 2021-2025 với quy mô 10.217ha, bao gồm: Xoài 9.067ha, chuối cấy mô 300ha, sầu riêng 300ha, nhãn 380ha, cây có múi 170ha.

NGÔ CHUẨN