Lãi suất tiết kiệm năm 2021 sẽ tăng hay giảm?

02/01/2021 - 14:11

Theo các chuyên gia, lãi suất tiết kiệm năm 2021 sẽ khó có thể tăng, chỉ có thể duy trì ổn định như năm 2020, thậm chí sẽ tiếp tục giảm.

Năm 2020, lãi suất tiết kiệm đã liên tục giảm sâu về dưới 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, đây là mức lãi suất thấp nhất trong nhiều năm qua. Hiện mức lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng tại 3 ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công thương Việt Nam (VietinBank), Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) đều niêm yết mức lãi suất cao nhất hiện nay là 5,6%/năm.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Ngân hàng không được để thiếu vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp số, nông nghiệp....Ngân hàng phải hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh bền vững, hiệu quả.

Thủ tướng mong muốn trong bối cảnh còn khó khăn này, ngành ngân hàng tạo điều kiện để giảm lãi suất thấp hơn, không nhằm mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Lãi suất năm 2021 sẽ khó tăng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá, năm 2021, đại dịch COVID-19 nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước còn khó lường, bởi vậy ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Bà Hồng khẳng định, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng đi đối với an toàn, hiệu quả.

Trong năm 2020, NHNN đã ba lần cắt giảm lãi suất điều hành nhằm giúp nền kinh tế vực dậy. Việc này đã giúp giảm áp lực chi phí dự phòng cho các ngân hàng và giảm chi phí lãi vay cho khách hàng.

Theo các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng xu hướng giảm lãi suất khả năng vẫn tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2021.

Bà Đào Minh Anh, Phó Tổng giám đốc OCB nhìn nhận, lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong năm 2021.

"Dịch COVID-19 đang được khống chế rất tốt, doanh nghiệp Việt so với các nước khác cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng sự thông thương với quốc tế đã và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, nên năm 2021 sẽ là năm vô cùng khó khăn đối với cả các doanh nghiệp, các cá nhân cũng như đối với cả ngân hàng. Đây là lúc ngân hàng phải sát cánh cùng doanh nghiệp, cung cấp giải pháp tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu phù hợp", bà Minh Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, trả lời trên báo chí, ông Trần Ngọc Tâm, tổng giám đốc NH Nam Á cũng cho rằng, trong năm 2021 khó có kỳ vọng lãi suất VND tăng vì dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Dưới góc nhìn tích cực hơn, ông Phạm Thế Anh - Chuyên gia kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, lãi suất có thể sẽ nhích lên nhưng không quá nhanh và sẽ không tăng cao ngay được, mà nhích dần dần, khả năng mức lãi suất sẽ nhích khoảng 0,25 - 0,5% trong quý I/2021.

Lý giải điều này, ông Phạm Thế Anh cho hay, dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, nhiều tổ chức quốc tế đưa ra triển vọng khá tích cực.

Đơn cử, Ngân hàng Thế giới dự báo, GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,8%, hay Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 6,5%...

“Nền kinh tế Việt Nam bị “nén lại” trong năm 2020 sẽ là tiền đề để “bung” ra phục hồi, phát triển mạnh trong năm 2021, theo đó, khi nền kinh tế khôi phục được tốc độ tăng trưởng cao, thì nhu cầu về vốn của nền kinh tế, của doanh nghiệp sẽ tăng lên, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng sẽ tăng lên… khi đó lãi suất sẽ nhích lên. Do đó, tôi cho rằng, nhận định trên cũng tương đối phù hợp”, ông Phạm Thế Anh phân tích.

Theo VTC