Ghi nhận tại huyện Lâm Hà, kén tằm được các vựa thu mua với giá 155.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Ngát (thôn Tiền Lâm, xã Đông Thanh) cho hay, nhà chị có 3 sào đất trồng dâu tằm, nhiều tháng nay, hoạt động sản xuất, chăn nuôi tằm của gia đình gặp nhiều khó khăn do giá kén xuống thấp, không bù nổi chi phí sản xuất.
Nông dân huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) phục hồi vườn dâu để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tằm...
Ở trong thôn nhiều gia đình cũng đã chặt dâu ngưng nuôi từ vài tháng qua. Thế nhưng, bắt đầu từ giữa tháng 9 đến nay, giá kén tằm liên tục tăng trở lại.
Điều này khiến người trồng dâu tằm tơ ở địa phương vô cùng phấn khởi. Với mức giá hiện tại, nguồn thu về từ kén tằm đã tiệm cận thời điểm đầu năm 2020, giúp nhiều hộ gia đình như chị an tâm đầu tư, tiếp tục sản xuất.
Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, một số cơ sở ươm trên địa bàn huyện thực hiện “3 tại chỗ”, lượng công nhân ít đi, công suất chế biến giảm kéo theo giá kén cũng giảm xuống còn 120.000 đồng/kg kén.
Tuy nhiên, tình hình này chỉ kéo dài trong vòng 1 tuần. Đến hiện tại, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các cơ sở ươm hoạt động ổn định lại bình thường, giá kén cũng tăng trở lại dao động từ 150.000 đến 160.000 đồng/kg.
Ông Vũ Bá Yêu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Hà cho biết, so với năng suất và mặt bằng giá cà phê, giá chè cành trong cùng thời điểm 3 năm vừa qua, thì trên 1 ha mỗi năm trồng dâu nuôi tằm giống mới ở Lâm Hà bằng các biện pháp kỹ thuật, đã thu lợi nhuận cao hơn lần lượt từ 2,28 đến 2,71 lần.
Việc giá kén tằm tăng cao những ngày vừa qua đã tạo động lực cho nông dân yên tâm phát triển nghề dâu tằm.
Theo ông Yêu tuy trong thời điểm dịch bệnh, nhưng tình hình trồng dâu, nuôi tằm của bà con vẫn tương đối ổn định, ít ảnh hưởng.
Tính đến hiện tại, trên địa bàn huyện có hơn 80% nông dân trồng dâu, nuôi tằm với tổng diện tích hơn 3.500ha. Diện tích trồng dâu được mở rộng hằng năm, riêng trong năm nay, bà con trồng mới khoảng trên 200ha; sản lượng kén đạt hơn 5.000 tấn/năm.
Tương tự, tại huyện Đạ Tẻh, ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cho biết, tình hình hoạt động trồng dâu, nuôi tằm của bà con nông dân vẫn ổn định.
Từ đầu năm đến nay, giá kén vẫn giữ mức bình ổn dao động từ 120.000 đến 125.000 đồng/kg. “Với mức giá tằm hiện tại bà con vẫn có lãi, nông dân cũng phấn khởi sản xuất và gắn bó với cây dâu, con tằm”, ông Tiện chia sẻ.
Giá kén tằm tăng mạnh nông dân tỉnh Lâm Đồng vô cùng phấn khởi
Những năm trở lại đây, diện tích trồng dâu, nuôi tằm của huyện Đạ Tẻh liên tục được mở rộng giúp đưa huyện trở thành một trong những “thủ phủ” trồng dâu, nuôi tằm của tỉnh.
Tổng diện tích trồng dâu, nuôi tằm của huyện đến nay là hơn 1.600 ha; sản lượng kén bình quân đạt từ 1,5 đến 1,6 tấn/ha/năm. So với đầu năm, diện tích trồng dâu của huyện tăng khoảng 50ha.
Theo ông Tiện, hiện tại địa phương có 95% nông dân trồng giống cây dâu tằm S7 và VA-201, đây là những giống dâu tằm mới. Giống dâu tằm này cho sản lượng trung bình đạt khoảng 25 tấn lá dâu/ha/năm.
“Có thể nói, nghề trồng dâu, nuôi tằm của huyện đang rất phát triển. Để đầu ra, giá cả của kén ổn định, thời gian qua, huyện cũng đã thành lập thêm một số hợp tác xã (HTX) dâu tằm. Các HTX này liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và cơ sở chế biến, nhờ đó giúp tình hình sản xuất, tiêu thụ của bà con được ổn định”, ông Tiện cho biết.
Những ngày qua, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ươm tơ, xuất khẩu đang đẩy mạnh hoạt động thu mua kén từ người dân. Ông Nguyễn Đình Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Tơ lụa Minh Quân (huyện Đạ Tẻh) cho biết, Công ty đang liên kết với 200 hộ với diện tích 150 ha, đồng thời hợp tác thu mua với các hợp tác xã tại địa phương và đơn vị lân cận.
Giá kén tằm trên địa bàn hiện được doanh nghiệp thu mua với giá 140.000 đồng/kg. Hoạt động thu mua kén từ người dân cũng diễn ra vô cùng nhộn nhịp, khác hẳn với thời điểm cách đây vài tháng.
Theo ông Chiến, sở dĩ giá kén tằm tăng mạnh trở lại là do thị trường xuất khẩu tơ tằm đang có những khởi sắc trở lại. Hiện, Ấn Độ đã từng bước mở cửa lại thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng đang có những đơn hàng xuất khẩu lớn.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp ngành tơ tằm trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới cơ bản được khống chế, thị trường dệt may đang phát triển trở lại khiến giá kén tằm trong nước và thế giới bắt đầu tăng trưởng trở lại.
Trong những năm gần đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh đã khôi phục và có chiều hướng phát triển nhanh về diện tích dâu, sản lượng kén tằm, tơ lụa.
Chất lượng kén tằm nguyên liệu được nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ươm tơ chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hiệu quả sản xuất ngành dâu tằm mang lại cho người dân thu nhập cao hơn so với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác, bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, quay vòng vốn nhanh và tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi.
Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 9.300 ha trồng dâu, với hơn 15.000 nông hộ trồng dâu nuôi tằm, cung cấp ổn định cho khoảng 150 cơ sở thu mua kén, 22 cơ sở ươm tơ dệt lụa.
Đặc biệt, công nghệ chế biến tơ lụa Lâm Đồng đã được đầu tư, nâng cấp với 50 dãy ươm tơ tự động, đạt 80% sản phẩm tơ cấp cao và 20% tơ thủ công với sản lượng 1.200 tấn tơ. Ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng đang phát triển quy mô hàng đầu của cả nước, góp phần lớn trong xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.
Theo Dân Việt