Làm giàu trên quê Bác

19/08/2018 - 09:53

 - “Một trong những minh chứng sinh động, nói lên tinh thần hăng say lao động, sản xuất của nông dân quê Bác là phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Thông qua phong trào này, nhiều mô hình sản xuất hay, cách làm hiệu quả đã ra đời, góp phần tăng thêm thu nhập cho người nông dân, tạo thêm nhiều sản phẩm có giá trị cao cho ngành nông nghiệp”- Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Xuyên Võ Văn Nghĩa chia sẻ.

Từ nuôi cá…

Cùng với sự hình thành và phát triển các làng bè trên địa bàn tỉnh, xã Mỹ Hòa Hưng là nơi có thế mạnh trong phát triển chăn nuôi cá bè, cá tra đăng quầng trên sông. 43 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nông dân nơi đây đã cùng với Đảng bộ, chính quyền đẩy mạnh cải tạo nông nghiệp, biến những vùng đất hoang sơ, đầy lau sậy trở thành những cánh đồng lúa, rau màu trù phú; những làng bè, đăng quầng nuôi cá tra, các loài cá có giá trị xuất khẩu.

“Những năm 1998 - 2007, nhờ nuôi cá tra mà ngư dân vùng này có cuộc sống ấm no. Ai có tiền thì đứng ra làm quầng nuôi cá tra, người không có tiền thì đi làm công để kiếm sống hoặc cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá. Những năm này, cá tra xuất khẩu mạnh sang Mỹ, Châu Âu và các nước trên thế giới, vì vậy trong thời gian ngắn, nhiều nông dân nuôi cá trở thành tỷ phú, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội”- chị Mai Thị Lệ (xã Mỹ Hòa Hưng) chia sẻ.

Gia đình bà Lệ có 3 hầm nuôi cá tra giống và 4ha mặt nước nuôi cá tra thịt theo hình thức đăng quầng. Năm 2002, khi cá tra ở thời kỳ thịnh vượng, với diện tích thả nuôi này, mỗi năm bà xuất bán trên 2.000 tấn cá tra, mang thu nhập về cho gia đình hàng tỷ đồng. Từ tiền nuôi cá, bà đã lo cho các con ăn học đến nơi, đến chốn và đóng góp cho địa phương để cất nhà Tình thương, sửa lộ, xây cầu, làm đẹp quê hương Bác.

5 năm trở lại đây, ngành cá tra xuất khẩu gặp nhiều trở ngại, bà Lệ đã chuyển đổi nghề, thích ứng với thời cuộc bằng việc nuôi các mặt hàng cá chợ, cung cấp cho thị trường nội địa. Đối tượng được bà chọn nuôi là cá he và cá điêu hồng. 7 tháng đầu năm 2018, cá điêu hồng được thương lái tìm đến bè mua với giá 40.000 đồng/kg, với mức giá này, bà lãi 10.000 đồng/kg. Riêng 2 bè cá he, bà đã ký kết hợp đồng với thương lái mua để xuất cá vào thị trường Mỹ và các nước khác.

…Đến trồng lúa Nhật

Cùng với những mô hình phát triển chăn nuôi, trồng rau màu theo hướng an toàn, mô hình trồng lúa Nhật đã hình thành ở địa bàn TP. Long Xuyên từ những năm 1996. Lúc đầu, mô hình được thử nghiệm ở địa bàn phường Mỹ Thới, về sau nhanh chóng phát triển sang các địa bàn khác như: Mỹ Hòa, Mỹ Quý, Mỹ Khánh.

“Điều làm cho nông dân và doanh nghiệp gắn bó với nhau trong suốt 22 năm qua chính là sự minh bạch trong cách làm ăn, từ đó lợi ích của 2 bên luôn đảm bảo, hài hòa. Trồng lúa Nhật, nông dân rất yên tâm bởi biết trước mức lợi nhuận mà mình có thể được hưởng. Chữ tín và niềm tin chính là chất keo gắn kết 2 bên”- ông Trang Thành Long (xã Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Gia đình ông Long là một trong 61 hộ nông dân ở phường Mỹ Hòa tham gia trồng lúa Nhật. Với 3ha đất trồng lúa Nhật, đời sống của gia đình rất ổn định; bình quân mỗi công đất, ông lời trên 2,5 triệu đồng/công/vụ. Ông Long cho biết thêm, khi đã ký hợp đồng xong, nông dân chỉ cần tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên “3 cùng”, làm cho năng suất đạt cao hơn thì lợi nhuận sẽ tăng thêm.

Từ vài chục ha lúa trồng thử nghiệm ở Mỹ Thới, đến nay diện tích trồng lúa Nhật toàn TP. Long Xuyên tăng lên 1.400ha, trở thành 1 trong 5 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Ngày nay, ngoài nuôi cá, trồng lúa, nông dân quê Bác đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nuôi lươn theo hướng VietGAP. Từ những mô hình hiệu quả, thu nhập bình quân trên đầu người ở TP. Long Xuyên đạt 98,6 triệu đồng/người/năm, trở thành địa phương có mức thu nhập bình quân cao nhất tỉnh.

“Thời gian tới, Hội Nông dân TP. Long Xuyên sẽ tiếp tục vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tập trung vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích đất, trong đó phát triển những mô hình nông nghiệp đô thị như: hoa lan, cây cảnh; du lịch nông nghiệp. Khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định”- Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Long Xuyên Võ Văn Nghĩa chia sẻ.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN