Làm sao tạo đột phá cho nông nghiệp?

05/02/2019 - 07:00

 - Hơn 30 năm trước, An Giang đã nổi tiếng thành công về đổi mới nông nghiệp, từng đứng đầu cả nước về sản xuất lúa. Trong thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập, An Giang đi đầu về nuôi và xuất khẩu cá tra, basa. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả lợi thế nông nghiệp thời đại mới, cần những đột phá mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Hình thành “cứ điểm nông - công nghiệp”

Dù vẫn giữ vai trò vựa lúa, vựa cá của vùng ĐBSCL nhưng những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn An Giang chậm lại, nhất là khu vực nông nghiệp. TS Trần Du Lịch cho rằng, với tình hình phát triển hiện nay, An Giang khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của cả nước, đồng nghĩa với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa. Dự kiến năm 2018, GDP cả nước tăng 6,7-6,8%, bình quân giai đoạn 2019-2020 tăng khoảng 7-7,5%. Trong khi đó, GRDP năm 2018 của An Giang dù đạt mức tăng cao nhất trong 3 năm qua nhưng cũng dừng lại ở mức tăng 6,52% so năm 2017. “Nếu giai đoạn 2021-2030, An giang không đạt tốc độ tăng GRDP bình quân khoảng 8%/năm thì không thể thu hẹp sự chênh lệch phát triển so với cả nước” - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, An Giang cần tiến lên công nghiệp hóa theo mô hình xây dựng các “cứ điểm nông - công nghiệp” (agro-industrial cluster) ở những vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi; thu hút các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng xuất khẩu vào các khu công nghiệp. Tỉnh cần hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chứ không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn. “An Giang không thể phát triển nông nghiệp theo chiều rộng mà phải đi vào chiều sâu, trong đó lấy công nghiệp chế biến làm cơ sở để sản xuất nông nghiệp. Chính doanh nghiệp chế biến gắn với thị trường sẽ quyết định quy mô các vùng chuyên canh nông nghiệp. Cốt lõi của sản xuất theo chiều sâu là sản phẩm nông nghiệp trở thành nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Cần nhớ rằng, công nghiệp hóa không chỉ là tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GRDP, mà quan trọng hơn là công nghiệp hóa mọi hoạt động kinh tế. Chính ngành công nghiệp chế biến sẽ tạo ra tác phong công nghiệp cho người nông dân trên chính mảnh ruộng của mình”- TS Trần Du Lịch gợi ý.

Làm sao tạo đột phá cho nông nghiệp?

Nông nghiệp An Giang được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quan tâm

Giải quyết “điểm nghẽn” nông nghiệp

An Giang từng thành công khi trong quá trình đổi mới, mạnh dạn chia tách đất đai về cho nông dân, phát huy vai trò “kinh tế hộ”, đưa địa phương dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực. Tuy nhiên, dưới tác động của quan hệ thị trường, nhất là hội nhập với thị trường thế giới như hiện nay, mô hình “kinh tế hộ”, sản xuất quy mô nhỏ theo giới hạn của “hạn điền” đã bộc lộ những hạn chế rất cơ bản, ngày càng gay gắt và trở thành “điểm nghẽn” trong khai thác lợi thế nông nghiệp. Tình trạng “được mùa mất giá”, nông dân chặt cây nọ trồng cây kia thường xuyên tái diễn. “Bài toán nông nghiệp không phải là vấn đề vốn, khoa học- kỹ thuật… mà là mô hình tổ chức sản xuất không thể hấp thụ vốn, công nghệ và không đáp ứng được thị trường. Ở An Giang, Đồng Tháp và nhiều địa phương khác đã xuất hiện nhiều mô hình tổ chức sản xuất phù hợp nhưng do thiếu chính sách tập trung có hiệu quả nên còn hạn chế phát triển” - TS Trần Du Lịch đánh giá.

Để giải quyết “điểm nghẽn” nông nghiệp, theo chuyên gia này, trước tiên, cần gỡ nút thắt “hạn điền”. Luật Đất đai năm 2013 dù đã cho phép mở rộng “hạn điền” với quy mô gấp 10 lần diện tích trước đây (từ 3 lên 30ha) nhưng vẫn còn rất hạn chế đối với một nền nông nghiệp sản xuất lớn. Tại An Giang, xuất hiện nhiều mô hình tập trung ruộng đất có hiệu quả như hợp tác xã (HTX), “Cánh đồng lớn”, doanh nghiệp thuê đất của nông dân, Nhà nước làm trung gian thuê đất của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại… “Với các mô hình tập trung này, người nông dân vẫn còn quyền sử dụng ruộng đất. Nói nôm na là không “mất đất”, vừa giải quyết được yếu tố tâm lý “sở hữu đất” của nông dân, vừa có lợi tức cho thuê để yên tâm hơn khi lớn tuổi” - TS Trần Du Lịch nhận xét.

Ông cho rằng, tập trung ruộng đất theo mô hình HTX của những hộ nông dân cá thể hoặc của chủ các trang trại vẫn là mô hình nhân bản nhất và tiến bộ nhất mà nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công. Mô hình chủ trang trại thuê đất của nông dân để mở rộng diện tích khá phổ biến ở nhiều nước. Khi đó, người nông dân trở thành công nhân trên chính mảnh đất của mình. Nếu đứng trên quan điểm ưu tiên cho người sử dụng đất có hiệu quả nhất thì thay vì quy định “hạn điền”, Nhà nước nên cấm “tích tụ ruộng đất để cho thuê lại” hoặc đánh thuế nặng những trường hợp đầu cơ đất. “Nhà nước chỉ tập trung chính sách khuyến khích mô hình HTX và các trang trại, doanh nghiệp thuê đất của nông dân. Ví dụ, nếu một trang trại tích tụ đất để canh tác thì chịu thuế nông nghiệp, nhưng nếu thuê đất của nông dân để canh tác thì được miễn, giảm thuế, đồng thời có những chính sách như bảo hiểm xã hội cho nông dân. Một khi nút thắt này được gỡ, sẽ tác động gỡ những “điểm nghẽn” về hấp thụ công nghệ mới, vốn tín dụng, xây dựng chuỗi giá trị nông sản…” - TS Trần Du Lịch nêu ý kiến.

Làm sao tạo đột phá cho nông nghiệp?

Hướng đến quan hệ làm ăn mới

Là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, TS Trần Du Lịch cho rằng, cần xem HTX nông nghiệp hình thành trên cơ sở sở hữu tư nhân kinh tế hộ và các trang trại tư nhân có quy mô phù hợp là 2 mô hình chủ đạo của nền kinh tế nông nghiệp. HTX kiểu mới tạo điều kiện pháp lý để doanh nghiệp làm thành viên HTX và HTX được thành lập doanh nghiệp để kinh doanh. Tuy nhiên, để tạo sự liên kết công - nông nghiệp một cách bền vững, cần có chính sách khuyến khích hình thành mô hình HTX liên doanh với doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến để xây dựng nhà máy chế biến chính sản phẩm của HTX, liên kết với doanh nghiệp thương mại tiêu thụ sản phẩm do chính HTX làm ra. Ví dụ như ở Nhật Bản, HTX nuôi bò sữa liên doanh với Tập đoàn sữa Meiji xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm của Meiji (thay vì nhà máy chỉ mua nguyên liệu sữa của HTX về chế biến). Khi thực hiện liên kết công - nông qua mô hình HTX + doanh nghiệp = doanh nghiệp, lợi ích của các bên gắn liền nhau nên mối liên kết bền vững hơn, trách nhiệm hơn.

Theo TS Trần Du Lịch, cùng với gỡ nút thắt “hạn điền”, có cơ chế phát triển HTX kiểu mới hiện đại, để phát huy tối đa thế mạnh nông nghiệp, cần có vai trò “bà đỡ” của chính quyền cho doanh nghiệp trên 3 khía cạnh: cung cấp cơ sở hạ tầng, cung ứng dịch vụ sản xuất và nền hành chính phục vụ. Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã truyền rõ thông điệp về xây dựng một Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. An Giang cần tận dụng những thành tựu của quá trình cải cách thể chế chung của cả nước và cơ hội của hội nhập, xây dựng mô hình hành chính phục vụ, lấy doanh nghiệp làm động lực của công nghiệp hóa nông nghiệp. “Chủ trương của lãnh đạo tỉnh về hỗ trợ thủ tục hành chính, cam kết tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong những năm qua có tác động tích cực đối với môi trường đầu tư, nhưng vấn đề đặt ra là phải chuyển động đồng bộ cả bộ máy hành chính địa phương, từ cấp lãnh đạo, chỉ đạo đến thừa hành công vụ” - TS Trần Du Lịch đề xuất.

“Trung ương cần quan tâm đến yếu tố hạ tầng trong liên kết phát triển ĐBSCL, đặc biệt là mở rộng giao thông kết nối vùng. Trước mắt, cần ưu tiên vận dụng cơ chế đối tác công - tư (PPP) để xây dựng đường cao tốc nối Cần Thơ - Châu Đốc mà trong quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đã đề ra. Con đường này sẽ thúc đẩy liên kết chuỗi đô thị Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc, gắn quá trình công nghiệp hóa với đô thị hóa ở bờ Tây sông Hậu, tạo sự đột phá cho công nghiệp, thương mại và du lịch phát triển” - TS Trần Du Lịch kiến nghị.

NGÔ CHUẨN