Lâm Trần Thế Nhân - đoàn viên trẻ nhiệt huyết

21/07/2020 - 14:20

 - 5 năm công tác tại Công ty Cổ phần GAVI – doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh gạo tại Phú Tân, đoàn viên Lâm Trần Thế Nhân (sinh năm 1992) luôn phát huy tinh thần “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, thường xuyên nghiên cứu thực tiễn công việc để tìm những hạn chế, khó khăn và đưa ra giải pháp để phục vụ sản xuất hiệu quả…

Anh Nhân hiện là Tổ phó KCS với nhiệm vụ kiểm tra hàng hóa, theo dõi, quản lý mẫu hàng hóa; đánh giá phân loại chất lượng sản phẩm sản xuất và hỗ trợ đánh giá năng lực làm việc của nhân viên. Dù công tác ở doanh nghiệp chưa lâu, nhưng anh đã được lãnh đạo đánh giá cao về năng lực, trách nhiệm, đạt nhiều thành tích nổi bật. Cụ thể, 3 năm đầu tiên, anh đã hoàn thành tốt công việc được giao và đạt kết quả, với thời gian thử thách ở vị trí Tổ phó KCS. Bên cạnh đó, anh Nhân còn đảm nhận thêm công việc liên quan tới quản lý hồ sơ và thực hiện về việc cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP cho nhà máy. Hiện nay, anh Nhân còn được giao phụ trách đào tạo và nâng cao tay nghề cho 2 nhân viên KCS mới từ học việc lên thử việc và được ký hợp đồng chính thức, đáp ứng đủ yêu cầu bắt buộc của công ty.

Trong quá trình làm việc, anh đặc biệt chú ý nghiên cứu, tìm tòi các sáng kiến, giải pháp đưa vào ứng dụng để tăng năng suất. Tiêu biểu là sáng kiến, giải pháp “Quy trình làm việc của nhân viên KCS + Nội dung cải tiến kế hoạch quản lý và vận hành HACCP” đạt bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2017. Anh Nhân cho biết, trước đây, trong quy trình vận hành công việc thường xảy ra sự cố lộn bồn hàng hóa, nhầm lẫn tên hàng, tên chủ hàng, nhất là hàng thuộc nhiều chủ mà chỉ tách ra riêng, không có chứng từ riêng để theo dõi, những lúc có sự cố rất khó và mất nhiều thời gian để truy xuất ngược.

Anh đã nghiên cứu để sắp xếp lại cách tổ chức, đề xuất tách lô theo mã số, làm 1 bộ chứng từ cho mỗi lô để theo dõi từ khâu nhập đến khâu xuất. Đồng thời, đề xuất làm file truy xuất nguồn gốc để theo dõi hiệu quả hơn. Nhờ mỗi lô đều có giấy tờ chứng từ, nên khi đưa xuống sản xuất, các anh em dựa theo hồ sơ để làm, hạn chế lẫn lộn, kể cả khi có sự cố cũng có thể truy xuất lại rất nhanh, đến khâu thành phẩm vẫn có thể truy nguồn gốc lô lúa về số lượng, chất lượng và trồng ở đâu… Từ đó, quy trình làm việc được thực hiện xuyên suốt.

“Hiệu quả của sáng kiến này ở chỗ thời gian xử lý đơn hàng đã được giảm xuống đáng kể, thay vì 30 phút như trước, thì giờ chỉ còn 5 phút/1 đơn hàng. Khi cần kiểm tra số liệu, thì thời gian xử lý chỉ còn 15 phút thay vì 1 – 2 giờ như trước đây. Còn lợi ích chung mang lại là so trước đây doanh thu gia công tăng hơn 30%, chi phí được giảm đi 15%, giá trị làm lợi cho công ty khoảng 150 triệu đồng/năm” – anh Nhân chia sẻ.

Năm 2017 và 2018, anh Nhân đạt thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có thành tích tốt trong việc xây dựng quy trình làm việc của bộ phận KCS lúa. Trong 3 năm (2017, 2018, 2019), anh được công ty ghi nhận đóng góp tích cực trong việc thực hiện và quản lý hồ sơ tái kiểm tra chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm HACCP; xây dựng được quy trình quản lý mẫu (mẫu hàng sản xuất, mẫu lưu, mẫu xuất bán, mẫu chào khách hàng) trong nhà máy.

MỸ HẠNH