Nuôi toàn giống lợn quý, thu tiền tỷ
Trò chuyện với phóng viên, ông Vũ Kim Hải cho biết, lợn đen đặc sản đã được người dân trên địa bàn Bắc Hà nuôi lâu đời, nhưng do trong quá trình chăn thả tự do, giao phối cận huyết, không có chọn lọc nên giống lợn đặc sản này dần bị thoái hóa, chất lượng thịt kém đi.
Công ty Anh Nguyên đã vào cuộc nghiên cứu và xây dựng trang trại, lựa chọn các đàn lợn đen hạt nhân, từ đó tạo ra thế hệ con thuần chủng. Sau nhiều năm thực hiện dự án, Anh Nguyên không chỉ nhân giống thành công mà còn tạo ra các đàn lợn giống có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khu chuồng trại nuôi lợn đặc sản tại trang trại của Công ty Anh Nguyên (Lào Cai). Ảnh: Hải Đăng
Theo ông Hải, khác với phương thức chăn nuôi quảng canh tự phát của người dân bản địa trước kia, đàn lợn đen ở trang trại của ông được nuôi theo quy trình khép kín nhằm bảo đảm chất lượng cả đầu vào lẫn đầu ra.
Với diện tích hơn 5.000m2, nuôi trên 8.000 con lợn đen, trang trại của ông Hải ở thôn Tả Hồ, xã Tả Chải hiện là đơn vị nhân nuôi đàn lợn đặc sản lớn nhất ở Lào Cai.
Ngoài nuôi lợn đặc sản, doanh nghiệp Anh Nguyên còn đầu tư chăn nuôi gà, vịt, trâu sinh sản, trâu vỗ béo và trồng 20ha rau VietGAP; 1ha rau thủy canh trong nhà lưới..., mang về nguồn thu lớn cho doanh nghiệp.
Trang trại khép kín từ khâu lựa chọn con giống, chế biến thức ăn chăn nuôi, đến giết mổ và đưa ra thị trường.
Trong đó, khu nuôi nhốt gồm 6 chuồng nuôi lợn thịt, lợn cai sữa, lợn nái chửa, lợn con giống và lợn hậu bị với diện tích trên 2.000m2. Toàn bộ trang trại được lắp camera kiểm soát quá trình chăn nuôi.
Thời điểm này, trang trại của Anh Nguyên có hơn 1.000 lợn đen Bắc Hà và lợn ỉ Móng Cái. Riêng về giống, hiện trang trại có 100 lợn nái ngoại, 100 lợn nái đen bản địa, 12 lợn đực giống lớn.
"Đến giờ, chúng tôi đã tự chủ được lai tạo giống bằng cách kết hợp lợn nái Móng Cái với lợn đực thuần chủng Bắc Hà, cho ra giống mới có sức đề kháng cao, tỷ lệ thịt và mỡ đồng đều..." - ông Hải tiết lộ.
Tham quan trang trại, chúng tôi nhận thấy khu chuồng trại được phân ra thành nhiều ô riêng biệt, nuôi khoảng 7 con/chuồng, bảo đảm đủ không gian vận động và phát triển khỏe mạnh cho lợn. Bao quanh chuồng là những tấm nhựa thông minh có tác dụng làm mát vào mùa hè và làm ấm khi đông đến. Tại các khu chuồng còn có hệ thống quạt gió và dàn điều hòa.
Toàn bộ vật nuôi được tiêm phòng vaccine ngay từ khi mới sinh. Quá trình chăm sóc đến khi xuất chuồng, đàn lợn sẽ được cán bộ thú y của công ty theo dõi và cách ly dài ngày để bảo đảm thịt lợn không tồn dư kháng sinh trước khi tới tay người tiêu dùng.
Trang trại không dùng cám tăng trọng, toàn bộ thức ăn cho đàn lợn được chế biến từ cám gạo, đậu tương, ngô, trộn với chế phẩm sinh học rồi ủ lên men, cho lợn ăn trực tiếp mà không phải nấu chín.
"Thức ăn chứa các enzym có lợi cho hệ tiêu hóa của lợn, giúp hạn chế tối đa các loại bệnh về đường ruột, đồng thời tăng sức đề kháng. Do thức ăn không có chất tăng trọng nên thời gian nuôi một lứa lợn trung bình mất 9 tháng (trong khi nuôi cám tăng trọng chỉ khoảng 3-4 tháng đã có thể xuất chuồng). Trọng lượng lợn xuất chuồng chỉ nặng khoảng 90kg/con nhưng chất lượng thịt lợn rất thơm ngon và bổ dưỡng" - ông Hải khẳng định.
Hỗ trợ người dân tái đàn lợn đặc sản
Theo ông Hải, để xử lý chất thải từ chăn nuôi lợn, các dãy chuồng nuôi đều dùng đệm lót sinh học và chế phẩm sinh học do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyển giao. Đệm lót giúp xử lý phân và nước tiểu, mùi hôi chuồng trại, đồng thời sản sinh nhiệt giữ ấm cho lợn vào mùa đông và phòng trừ một số bệnh như cảm cúm, lở mồm long móng...
"Từ khi đưa công nghệ mới vào xử lý chất thải, trang trại của chúng tôi luôn sạch mùi, đàn lợn cũng phát triển tốt và khỏe hơn trước" - lãnh đạo doanh nghiệp Anh Nguyên chia sẻ.
Hàng tháng trang trại chăn nuôi lợn đặc sản của Công ty Anh Nguyên cung cấp trên dưới 10 tấn thịt lợn sạch cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh Lào Cai và một số tỉnh, thành khác.
Hiện lợn đen Mường Khương là 1 trong 3 giống lợn quý của quốc gia đã được Công ty TNHH Anh Nguyên ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để duy trì nguồn giống bố mẹ, sản xuất và chuyển giao con giống đến nông dân nuôi thương phẩm. Theo lãnh đạo huyện Bắc Hà, cách làm này đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ giống lợn quý của quốc gia, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ dân tham gia liên kết.
Ông Nguyễn Duy Hòa - Bí thư Huyện ủy Bắc Hà cho biết, nông dân toàn huyện đang tích cực tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi. Khi giá lợn giống đang rất cao, khó khăn cho người chăn nuôi tái đàn thì những hộ dân liên kết với doanh nghiệp Anh Nguyên được ứng trước con giống với giá ổn định.
Doanh nghiệp cũng hỗ trợ tư vấn khoa học kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Phần đối ứng của hộ dân là xây dựng chuồng nuôi đúng tiêu chuẩn, cho lợn ăn bằng các sản phẩm nông sản tại địa phương và quan trọng nhất là sử dụng đệm lót sinh học.
Theo Dân Việt