Liên kết tiêu thụ nông sản

22/03/2024 - 06:36

 - Cùng với bảo vệ sản xuất, tạo ra nguồn nguyên liệu đạt chất lượng, công tác xúc tiến thị trường, thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư liên kết tiêu thụ nông sản đóng vai trò rất quan trọng, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững. Công tác này đòi hỏi các sở, ngành, địa phương cộng đồng trách nhiệm.

Vụ hè thu 2024, bên cạnh xuống giống hơn 228.000ha lúa, toàn tỉnh còn xuống giống khoảng 18.790ha rau màu (cây màu 4.250ha, rau dưa các loại 14.540ha); trồng thêm khoảng 1.226ha cây ăn trái (xoài, mít, chuối, cây có múi, nhãn, sầu riêng…).

Đối với rau màu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang khuyến cáo nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, thuốc, kỹ thuật canh tác... nhằm tạo ra các sản phẩm rau màu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các loại rau an toàn theo quy trình và tiêu chuẩn gắn với yêu cầu của DN.

Các ngành phối hợp tư vấn, hỗ trợ thành lập, củng cố, nâng chất các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất rau an toàn tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và liên kết với các công ty, siêu thị… để tiêu thụ sản phẩm.

Xúc tiến, quảng bá nông sản An Giang

Đối với cây ăn trái, ngành chuyên môn cùng địa phương xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng (code) tại những nơi chưa có mã số vùng trồng; tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng đi các thị trường tiêu thụ, như: Hoa Kỳ, Hàn quốc, Úc, Trung Quốc…

Cán bộ kỹ thuật tập huấn cho nhà vườn, HTX, THT với các nội dung quản lý sâu bệnh hại trên cây ăn trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và vệ sinh vườn, xử lý bao bì, hướng dẫn ghi chép sổ tay nhật ký canh tác tại các vùng trồng có gắn kết với DN. Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân tăng cường dự trữ nước trong mùa khô và sử dụng hiệu quả bằng phương pháp tưới tiết kiệm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, vụ hè thu 2024, có 14 DN liên kết sản xuất và tiêu thụ 70.850ha lúa, chiếm gần 31,1% diện tích xuống giống. Do vậy, các địa phương cần tăng cường kết nối thông tin DN, thương lái thu mua lúa, nếp, giúp tiêu thụ hết sản lượng thu hoạch. Theo đó, có 2 đợt thu hoạch cao điểm: Đợt 1, từ ngày 20/7 - 3/8, thu hoạch khoảng 280.000 tấn; đợt 2, từ ngày 10/8 - 24/8, thu hoạch khoảng 300.000 tấn. Ngoài ra, từ cuối tháng 5/2024 sẽ có thu hoạch lúa hè thu liên tục.

Đối với rau màu, tiếp tục mời gọi, có chính sách ưu đãi cho DN đầu tư, liên kết với HTX, THT phát triển vùng sản xuất chuyên canh và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đối với cây ăn trái, tiếp tục mời gọi các DN liên kết và xây dựng vùng chuyên canh, đồng thời mở rộng diện tích liên kết của các DN, như: Lộc Trời, Lefarm,  Nafoods, Antesco, Hoàng Phan…

Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu gắn kết với HTX Trái cây GAP Chợ Mới, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi, Hội làm vườn An Sơn Bảy Núi; Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường liên kết THT xoài Vĩnh Xương, HTX Long Bình; Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit liên kết HTX Long Bình.

Nhằm ổn định đầu ra nông sản, Sở NN&PTNT An Giang đề nghị Sở Công Thương phối hợp Sở NN&PTNT, các sở, ngành, UBND cấp huyện mời gọi và hỗ trợ các DN, HTX xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường ngoài nước. Đồng thời, kết nối các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, giới thiệu sản phẩm, thông tin vùng nguyên liệu đạt chất lượng của tỉnh, kết nối tiêu thụ theo mô hình chuỗi cung ứng, từng bước nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Đối với Hội Nông dân tỉnh, phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân áp dụng các quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn tiên tiến, như: SRP, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... vào sản xuất; vận động nông dân sản xuất nông sản chủ lực liên kết với DN thông qua các THT, HTX trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân và người đại diện chủ động thiết lập và duy trì các điều kiện tiêu chuẩn của vùng trồng xuất khẩu, đạt yêu cầu cấp mã số vùng trồng; chú trọng quản lý sinh vật gây hại, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và giảm chi phí vật tư nông nghiệp.

Sở NN&PTNT đề nghị Liên minh HTX tỉnh phối hợp tuyên truyền, thực hiện các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ để nhân rộng “Cánh đồng lớn”, kêu gọi các DN tham gia đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết. Đồng thời, hỗ trợ và củng cố các THT, HTX đảm bảo đủ mạnh để đại diện nông dân tham gia liên kết với DN; thúc đẩy nhanh việc hình thành các THT rau màu, cây ăn trái tại các vùng nguyên liệu khi có DN tham gia liên kết thu mua; tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp tiếp cận các chính sách ưu đãi.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang hỗ trợ DN, HTX tham gia các sự kiện, hội chợ, hội nghị kết nối giao thương để tìm kiếm khách hàng, đối tác tiêu thụ nông sản của tỉnh. Thu hút DN đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm và kéo dài thời gian bảo quản để xuất khẩu. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang phối hợp Sở Công Thương, Sở NN&PTNT quảng bá, giới thiệu hàng hóa nông sản An Giang tại thị trường nước ngoài, tổ chức hội nghị kết nối giao thương, hội chợ thương mại…

NGÔ CHUẨN