Linh hoạt kết nối cung, cầu nông sản

17/09/2021 - 09:09

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến sức tiêu thụ thực phẩm của người dân giảm, việc lưu thông hàng hóa khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng đã tổ chức lại sản xuất, thay đổi phương thức kinh doanh, tìm hướng mở rộng kết nối tiêu thụ sản phẩm, bình ổn thị trường.

Ðể bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội, ngành nông nghiệp của TP Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch để bảo đảm giữ ổn định sản xuất, xây dựng được các kế hoạch sản xuất bao tiêu sản phẩm linh hoạt, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế.

Tổ chức lại sản xuất

Ðợt dịch lần thứ tư, tỉnh Hà Nam là nơi bùng phát dịch đầu tiên và sau đó, dịch đã được khống chế. Hơn một tháng nay, tại Hà Nam không xuất hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, nhưng các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì tốt công tác phòng, chống dịch. Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Bảo An (huyện Lý Nhân, Hà Nam) đang liên kết bao tiêu sản phẩm cho 50 HTX nông nghiệp ở Hà Nam và các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Ninh Bình, cung ứng nông sản sạch cho hệ thống siêu thị Vinmart tại Hà Nam và TP Hà Nội. Giám đốc HTX Trần Ngọc Hiếu cho biết: HTX xây dựng kế hoạch sản xuất theo từng ngày trong tuần, trong tháng, từ đó, phân công lao động làm việc theo ca một cách hợp lý, khoa học, để vừa bảo đảm sản xuất, chế biến để đủ mặt hàng cung ứng cho khách hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết. Mặc dù ở thời điểm này, các chi phí khác, nhất là chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, nhưng HTX bảo đảm đủ việc làm, thu nhập cho người lao động. Mỗi ngày, HTX cung ứng từ 4,5 đến 9 tấn rau, củ, quả sạch cho hệ thống siêu thị Vinmart với giá ổn định, bảo đảm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Lực lượng vũ trang huyện Chương Mỹ (Hà Nội) giúp nông dân thu hoạch nông sản. Ảnh: Trần Hiền

Tại Nam Ðịnh, HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (xã Yên Cường, huyện Ý Yên) hiện có 1.600 hội viên. Ngoài kinh doanh các dịch vụ thiết yếu về nông nghiệp, HTX còn thuê 20 ha đất của các hộ thành viên, tổ chức sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nguyễn Văn Dự cho biết, đơn vị có tám sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao của tỉnh, năng suất đạt 171 tấn/ha/năm; sản phẩm được bao tiêu bởi Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Ðịnh, ngoài ra cung cấp cho nhiều bếp ăn, trường học trong tỉnh. Tháng 5/2021, khi xã Yên Cường thực hiện giãn cách xã hội trong 21 ngày vì một số ca mắc COVID-19, HTX đã chủ động liên hệ tiêu thụ sản phẩm tại khu công nghiệp Bảo Minh (huyện Vụ Bản), một phần đưa rau, quả vào các chợ truyền thống, phần khác ủng hộ người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa. Vài tháng gần đây, do hoạt động tiêu thụ rau, quả khó khăn, được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông tỉnh Nam Ðịnh về giống, phân bón, kỹ thuật, HTX chuyển 70% diện tích sản xuất sang trồng lúa và một số loại hoa màu như ngô, lạc, tích cực tìm "đầu ra" ở chợ truyền thống và một số bếp ăn công nghiệp.

Linh hoạt kết nối cung, cầu nông sản -0

Dây chuyền sản xuất ngô ngọt của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao (Ninh Bình). Ảnh: ÐỨC PHƯƠNG 

Ðẩy mạnh lưu thông hàng hóa

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến việc lưu thông hàng hóa khó khăn. Ðể đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, nhiều địa phương, doanh nghiệp, HTX đã có nhiều cách làm linh hoạt.

Tại huyện Hoài Ðức - vùng sản xuất nông nghiệp lớn tại Hà Nội, huyện đã xây dựng, triển khai phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua việc thành lập Tổ điều phối, tổ tiêu thụ các mặt hàng nông sản cấp huyện, cấp xã. Các tổ điều phối có trách nhiệm tổng hợp danh sách tổ chức, cá nhân sản xuất trên địa bàn; lượng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ mỗi ngày và đăng thông tin trên mạng xã hội để kết nối đầu ra cho sản phẩm. Các tổ tiêu thụ nông sản do lãnh đạo các xã trực tiếp phụ trách, HTX và các ngành, đoàn thể tham gia, ký hợp đồng vận chuyển với các lái xe ô-tô được cấp phép chuyên chở hàng hóa trong thời gian giãn cách; đồng thời sử dụng trụ sở UBND xã, nhà văn hóa… làm địa điểm tập kết nông sản. Sau khi thu hoạch nông sản, nông dân đóng gói thành các túi, ghi rõ họ tên, địa chỉ hộ sản xuất, trọng lượng, cam kết chất lượng, rồi mang đến điểm tập kết để các tổ tiêu thụ nông sản vận chuyển giao hàng đến nơi nhận. Nhờ cách làm này, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, trung bình mỗi ngày huyện Hoài Ðức tiêu thụ được từ 15 đến 20 tấn rau, củ, quả, hàng chục nghìn quả trứng gia cầm.

Tại các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Ðức, Ứng Hòa, Ðông Anh, Gia Lâm… cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cũng tích cực vận động, làm đầu mối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Khi một số khu chợ đầu mối ở Hà Nội phải tạm dừng hoạt động do xuất hiện các ca nhiễm COVID-19, thành phố trưng dụng năm địa điểm làm nơi tập kết nông sản, bảo đảm kết nối cung - cầu nông sản cho người dân. Vì vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố không bị gián đoạn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Ðịnh Hoàng Thị Tố Nga cho biết, để duy trì kinh tế nông nghiệp trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Nam Ðịnh đã xây dựng và phát triển ổn định 32 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Ðịnh đã kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp; hình thành hệ thống chuỗi 40 cửa hàng tiện ích kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và mời gọi được nhiều doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh như Vingroup, CoopMart, Big C... tham gia chuỗi liên kết. Sở Công thương Thái Bình phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX và Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Nông dân tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Central Retail và lãnh đạo siêu thị BigC/GO Thái Bình, đưa nhiều sản phẩm như: gạo của Công ty TNHH Hưng Cúc; ngao, tôm của Tập đoàn HDC; vịt, gà, trứng vịt biển của HTX chăn nuôi Ðông Xuyên; nước mắm của Công ty Thương mại và Thủy sản Diêm Ðiền… vào hệ thống siêu thị BigC/GO toàn miền bắc. Liên minh các HTX tỉnh Hà Nam thành lập tổ công tác khảo sát, tập hợp nhu cầu cần bao tiêu sản phẩm cho các HTX trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp, các HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tiêu thụ được hàng trăm tấn nông sản tại các hệ thống các siêu thị Sài Gòn Co-opmart, Vinmart.

Mặc dù vậy, nông sản tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng thời gian qua vẫn gặp trở ngại trong tiêu thụ. Các địa phương cần quy hoạch các vùng trồng rau, quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tập trung, có quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đồng thời bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát quá trình nuôi trồng, chế biến, để tăng tỷ trọng thực phẩm sạch trên thị trường. Ngành công thương cần tích cực đẩy mạnh triển khai tập huấn, hướng dẫn các địa phương để giúp các hộ nông dân tham gia sàn thương mại điện tử 

Theo Báo Nhân Dân