Lĩnh vực trồng trọt đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

05/11/2021 - 06:21

 - Năm 2021, ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất (GO) đạt 650 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Trong đó, các lĩnh vực lúa, gạo, cây ăn trái, rau màu đều có mức tăng trưởng khá.

Nỗ lực sản xuất

Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, lúa, gạo vẫn là lĩnh vực sản xuất chủ lực của An Giang, góp phần quan trọng đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, vụ đông xuân 2020-2021, toàn tỉnh đã xuống giống 230.392ha, tăng hơn 1.020ha so vụ đông xuân 2019-2020. Với năng suất 7,69 tấn/ha (tăng 0,326 tấn/ha), sản lượng cả vụ đông xuân đạt 1,772 triệu tấn (tăng 126.7000 tấn). Giá thành sản xuất lúa chỉ 2.947 đồng/kg, giảm 5,13% so với vụ đông xuân 2019-2020, nông dân canh tác vụ đông xuân 2020-2021 được xem là “trúng mùa, trúng giá”.

Sang vụ hè thu 2021, diện tích xuống giống lúa có giảm (đạt 228.939ha, giảm 2.297ha), nhưng bù lại, năng suất đạt 5,83 tấn/ha (tăng 0,122 tấn/ha), sản lượng vẫn đạt 1,335 triệu tấn. Thời điểm thu hoạch vụ lúa thu đông rơi vào đợt giãn cách xã hội nên ảnh hưởng đến thu hoạch, tiêu thụ. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, toàn bộ sản lượng lúa đều được hỗ trợ tiêu thụ hết.

An Giang phát triển mạnh cây ăn trái, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp

Vụ thu đông hiện tại, diện tích sản xuất lúa, nếp đạt 161.103ha, tăng nhẹ so kế hoạch. Các trà lúa hiện nay đang sản xuất thuận lợi, ước năng suất lúa bình quân đạt 6,2 tấn/ha, sản lượng gần 1 triệu tấn lúa. Đối với rau màu, vụ đông xuân xuống giống 17.914ha, đạt 111,7% kế hoạch. Vụ hè thu 2021, xuống giống 17.065ha, đạt 91,16% kế hoạch. Vụ thu đông 2021, xuống giống 12.679,7ha, đạt 89,15%; đã thu hoạch khoảng 34% diện tích. Hầu hết rau màu được tiêu thụ nội địa.

Đối với cây ăn trái, nông dân, hợp tác xã đang tiếp tục chăm sóc 17.971ha, chủ lực là xoài 12.096ha, chuối 1.022ha, nhãn 481ha, mít 968ha, cây có múi 1.549ha (bưởi 531ha, cam 331ha, quýt 182ha, chanh 484ha), sầu riêng 209ha (cho trái 37ha)… Ngoài sản phẩm xoài tượng da xanh phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, các loại cây ăn trái khác có thị trường tiêu thụ nội địa tương đối tốt.

Quyết tâm tăng trưởng

Ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, để đảm bảo tăng trưởng giá trị sản xuất (GO) đạt 650 tỷ đồng năm 2021, ngành TT&BVTV dựa trên cơ sở hiện trạng canh tác của các loại cây trồng hiện có, xây dựng kế hoạch tăng trưởng cụ thể.

Đối với xoài, sản lượng năm 2021 dự kiến tăng hơn 20.000 tấn so năm 2020. Nguyên nhân do hơn 1.000ha xoài trồng mới năm 2019 cho thu hoạch từ năm 2021. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, GO xoài tăng khoảng 400 tỷ đồng. Trong khi đó, sản lượng các loại cây ăn trái khác (cây có múi, nhãn, chuối, dừa, mít…) ước tăng 4.000 tấn, tương đương GO tăng 40 tỷ đồng (chủ yếu tăng thu hoạch từ diện tích cây ăn trái trồng mới năm 2019).

Đối với rau ăn lá và rau dưa, dự kiến GO năm 2021 tăng 170 tỷ đồng. Nguyên nhân do tỉnh tiếp tục thực hiện chuyển đổi và luân canh, triển khai một số mô hình sản xuất dưa lưới, rau ăn lá khác ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả. Giai đoạn 2018-2020, hơn 70 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phê duyệt hỗ trợ, đang tiếp tục được triển khai sản xuất, mang lại hiệu quả cao hơn so với canh tác truyền thống.

Năm 2021, tỷ lệ lúa chất lượng cao và nếp tăng thêm 20.000ha so năm 2020, với năng suất bình quân 6,3 tấn/ha, GO tăng thêm 362 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vụ thu đông 2021, diện tích canh tác lúa giảm 12.000ha (thực hiện xả lũ), với năng suất 5,9 tấn/ha, GO giảm 318 tỷ đồng.

Như vậy, tổng GO ngành trồng trọt năm 2021 tăng khoảng 654 tỷ đồng so năm 2020. Trong đó, quý I tăng 265 tỷ đồng (xoài tăng 50 tỷ đồng; mít, cam, chanh, quýt, bưởi tăng 10 tỷ đồng; nếp và lúa chất lượng cao tăng 145 tỷ đồng; rau màu tăng 60 tỷ đồng). Quý II tăng 110 tỷ đồng (xoài tăng 100 tỷ đồng; mít, cam, chanh quýt, bưởi tăng 10 tỷ đồng). Quý III, tăng 198 tỷ đồng (xoài tăng 50 tỷ đồng; mít, cam, chanh, quýt, bưởi tăng 10 tỷ đồng; nếp và lúa chất lượng cao tăng 108 tỷ đồng; rau màu tăng 30 tỷ đồng). Quý IV-2021, dự kiến tăng 80 tỷ đồng (xoài tăng 200 tỷ đồng; mít, cam, chanh quýt, bưởi tăng 10 tỷ đồng; nếp và lúa chất lượng cao tăng 108 tỷ đồng; rau màu tăng 80 tỷ đồng; lúa thu đông giảm 318 tỷ đồng).

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2021, những tháng cuối năm, ngành TT&BVTV toàn tỉnh tập trung bảo vệ tốt vụ thu đông và mời gọi doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ lúa, rau màu, cây ăn trái. Đối với lúa thu đông 2021, hiện có 15 doanh nghiệp liên kết tiêu thụ 37.400ha, chiếm 23,26% diện tích xuống giống. Với rau màu, cùng với tiêu thụ truyền thống, tỉnh đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các đơn vị có thị trường rộng mở, như: Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Vinmart... Với cây ăn trái, bên cạnh củng cố lại các hợp tác xã, tổ hợp tác để làm đầu mối liên kết tiêu thụ, tỉnh tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, như: Hoàng Phan, Chánh Thu, Cát Tường, Kim Nhung Đồng Tháp, Hoàng Phát Fruit, Antesco, Lefarm... để giải quyết đầu ra cho nhóm cây ăn trái trong mùa thu hoạch rộ.

NGÔ CHUẨN