Lợi ích đến trường học trực tiếp

22/02/2022 - 04:23

 - Sau Tết Nguyên đán, học sinh ở các cấp học (trừ mầm non, mẫu giáo) trong tỉnh An Giang trở lại trường học trực tiếp. Lợi ích thấy rõ khi học sinh được giáo viên kiểm tra, đánh giá, củng cố lại kiến thức nhằm đảm bảo hoàn thành tốt chương trình năm học.

Từ ngày 14-2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của 156 trường THCS, 54 Trường THPT, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên trở lại trường học trực tiếp. Để đảm bảo an toàn, Sở Y tế An Giang đã có văn bản hướng dẫn quy trình xử lý tình huống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, nếu có 1 trường hợp nhiễm COVID-19 cho tạm ngưng hoạt động ở khu vực, bộ phận xảy ra F0 để vệ sinh, khử khuẩn. Nếu từ 1/3 số lớp có ca nhiễm, yêu cầu tạm ngưng ngay việc dạy học trực tiếp và tiến hành vệ sinh, khử khuẩn.

Ngành giáo dục đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với phụ huynh học sinh về việc đồng ý (hoặc không đồng ý) cho học sinh đến trường học trực tiếp (trên 84,68% phụ huynh THCS, 99% phụ huynh THPT đồng ý cho con đi học). Các trường vẫn tổ chức song song 2 hình thức (trực tiếp và livestream lớp học) cho những học sinh chưa đủ điều kiện đến trường. Các trường đã tổ chức họp phụ huynh để triển khai công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học trực tiếp. Theo đó, bố trí chia thành nhiều khung giờ khác nhau, thực hiện giãn cách khi phụ huynh học sinh đến trường, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm (Trường Đại học An Giang) đón học sinh lớp 6 đến trường học trực tiếp

Qua 1 tuần cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp, tỷ lệ học sinh đi học đạt 97%, riêng bậc THPT trên 98%. Từ ngày 22-2, học sinh lớp 4, 5 trở lại trường học trực tiếp, học 3 buổi/tuần (tương ứng 15 tiết/tuần), gồm: 4 tiết tiếng Việt, 3 tiết Toán, 1 tiết Khoa học, 1 tiết Lịch sử - Địa lý, 1 tiết Đạo đức, 1 tiết Thể dục, 1 tiết Mỹ thuật, 1 tiết Âm nhạc và 2 tiết tiếng Anh. Từ ngày 24-2, học sinh lớp 1, 2, 3 trở lại trường học trực tiếp, sắp xếp bố trí học 3 buổi/tuần (tương ứng 15 tiết/tuần), gồm: 5 tiết tiếng Việt, 3 tiết Toán, 1 tiết Tự nhiên xã hội, 1 tiết Đạo đức, 1 tiết Thể dục, 1 tiết Mỹ thuật, 1 tiết Âm nhạc và 2 tiết tiếng Anh.

Từ ngày 7-3, tất cả các khối lớp tổ chức dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường (tương ứng 5 buổi/tuần) hoặc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và bán trú (sau khi tiến hành họp giao ban cán bộ quản lý trường tiểu học, nhận xét, đánh giá tình hình và rút kinh nghiệm sau 2 tuần học sinh đến trường học trực tiếp).

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang Trần Thị Ngọc Diễm yêu cầu các trường có thể chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục để triển khai thực hiện nội dung, chương trình dạy học theo hướng linh hoạt, không nhất thiết phải theo bài, theo tiết, không áp lực về thời gian, đảm bảo mục tiêu chất lượng phù hợp với từng khối lớp. Việc kết thúc năm học đối với cấp tiểu học phù hợp với tình hình thực tế của từng huyện, thị xã, thành phố; tuyệt đối không để học sinh “lên lớp non” hoặc ngồi “nhầm lớp” (đặc biệt đối với khối lớp 1, 2).

Kiểm tra thân nhiệt và khử khuẩn trước khi vào trường

Trong những ngày đầu học sinh trở lại trường, cần dành thời gian phù hợp để các em làm quen với việc học trực tiếp. Hướng dẫn các em kiến thức phòng, chống dịch để bảo vệ bản thân và cộng đồng; tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh; tăng cường tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp. Nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp dành thời gian, phối hợp với phụ huynh kiểm tra, hỗ trợ học sinh chuyển đổi trạng thái tâm lý, khắc phục dần một số thói quen chưa tốt do thời gian các em ở nhà quá lâu (thói quen dậy trễ, quên kỹ năng soạn bài, cách thức sắp xếp tập vở trước khi đến trường…).

Từng bước phân hóa học sinh theo các nhóm đối tượng (nhóm chưa học trực tuyến, nhóm học trên truyền hình, nhóm học trực tuyến nhưng tiếp thu còn hạn chế…) để có kế hoạch tổ chức dạy học tại trường với các nội dung cơ bản, cốt lõi: Ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức, rèn luyện kỹ năng đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực phù hợp với từng nhóm đối tượng; không gây áp lực, quá tải đối với học sinh.

Đối với các em chưa đi học trực tiếp, nhà trường cần có giải pháp tiếp tục hỗ trợ học tập trực tuyến, hoàn thành các nhiệm vụ học tập theo hướng dẫn của giáo viên. Chuẩn bị sẵn sàng chuyển đổi hình thức dạy học khi có tình huống bất ngờ, phát sinh ca nghi nhiễm trong từng lớp học. Giữa các tiết học hoặc giờ giải lao nên dành thời gian cho các em thư giãn bằng các trò chơi vận động tại lớp hoặc bài tập thể dục giữa giờ.

Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi, quản lý học sinh học tập ở nhà, học tập tại trường cũng như việc đi lại hàng ngày từ nhà đến trường và ngược lại. Theo dõi, quản lý sức khỏe học sinh để tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm COVID-19 nhằm có biện pháp xử trí kịp thời, không để lây lan.

“Em rất vui mừng vì được trở lại lớp học trực tiếp để được gặp thầy cô, bạn bè. Em sẽ cẩn thận đeo khẩu trang, tuân thủ thông điệp “5K” để đảm bảo an toàn phòng dịch” - Mai Vy (một học sinh lớp 6) chia sẻ.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH