Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sacombank đang triển khai gói cho vay trị giá 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 6- 7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, 8,5%/năm đối với khoản vay mua xe ô tô trung dài hạn. Ảnh minh họa: TTXVN.
“Hồ hởi” báo lãi
Trong năm nay, lợi nhuận ngành ngân hàng được giới phân tích tài chính dự báo có nhiều gam màu “sáng” khi tín dụng tăng, nợ xấu dần đẩy lùi, chi phí dự phòng giảm. Kết thúc 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6,16%. Nhờ tín dụng dụng tăng, nên thu nhập lãi thuần của các nhà băng cũng có sự cải thiện tích cực.
Theo báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh tại các tổ chức tín dụng (TCTD) của Vụ Dự báo Thống kê- Ngân hàng Nhà nước, hầu hết các TCTD đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý II-2018 và kỳ vọng kết quả năm nay tăng cao hơn so với năm trước.
Cụ thể: 67,4% TCTD nhận định tình hình kinh doanh trong quý II cải thiện tốt hơn so với quý I, trong đó 18,8% là cải thiện nhiều; 76,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ cải thiện trong quý III và 82,6% TCTD hy vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong cả năm 2018 so với năm 2017, trong đó 20,7 - 32,6% TCTD kỳ vọng cải thiện nhiều.
Đại diện Ngân hàng VIB cho biết: Với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 1.151 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; dư nợ cá nhân tăng mạnh... VIB vào nhóm có quy mô bán lẻ lớn nhất thị trường.
Đóng góp quan trọng nhất vào sự tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của VIB là hoạt động ngân hàng bán lẻ, với doanh thu tăng 100% so với cùng kỳ 2017. VIB tiếp tục ở vị trí cao trong hệ thống ngân hàng về giải ngân mới cho vay ô tô trong 6 tháng đầu năm với trên 30% thị phần; đứng đầu thị trường về tốc độ tăng trưởng cho vay mua nhà cá nhân với tỷ lệ tăng trưởng là 78%.
Theo ông Phạm Quang Dũng- Tổng giám đốc Vietcombank, nhờ các mảng kinh doanh đều đạt kết quả khả quan, 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 55,2% kế hoạch cả năm.
"Các chỉ tiêu sinh lời như NIM (lãi cận biên) đạt 2,76%; ROAA (lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân) đạt 1,24%; ROAE (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân) đạt 22,71%, đều tăng mạnh so với năm 2017 và cao hơn mặt bằng chung của thị trường", ông Dũng nói.
Còn ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của ngân hàng, do việc tăng thu từ tín dụng, đóng góp tích cực của tăng thu nhập từ thu ngoài lãi, thu từ dịch vụ và thu nhập từ hoạt động bảo hiểm với các chỉ số tăng trưởng rất khả quan khẳng định niềm tin bền vững của khách hàng dành cho OCB.
“Việc triển khai áp dụng chiến lược tập trung đẩy mạnh mảng ngân hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và mảng ngân hàng bán lẻ, liên tiếp đưa ra các sản phẩm dịch vu phù hợp được cá thể hóa cho từng đối tượng khách hàng mục tiêu, cùng với việc nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong thời gian qua đã mang lại hệu quả kinh doanh cho OCB”, lãnh đạo OCB chia sẻ. Với kết quả đạt được ấn tượng trong 6 tháng đầu năm, OCB tự tin sẽ vượt mức kế hoạch 2000 tỷ đề ra trong năm 2018.
Tăng chỉ tiêu lợi nhuận, giảm tỷ lệ nợ xấu
Nhờ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm nay khởi sắc, trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn nhiều nên không ít ngân hàng dự kiến điều chỉnh tăng chỉ tiêu lợi nhuận 2018. Chẳng hạn theo HDBank, với việc sáp nhập PG Bank thời gian tới, HDBank sẽ nâng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2018 lên hơn 4.712 tỷ đồng, thay vì mức 3.933 tỷ đồng kế hoạch như trước đó. Kết thúc quý I-2018, HDBank đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và ước tính đạt con số lợi nhuận mỗi quý tiếp sẽ đạt trên con số này. Tính đến hết tháng 5-2018, tăng trưởng tín dụng của HDBank đạt hơn 14%.
Năm 2018, phía Sacombank đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 430,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,9% so với cuối năm 2017. Nguồn vốn huy động đạt 399,1 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 255,2 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 17,9% và 13,1% so với năm 2017. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.838 tỷ đồng, tăng 23,2%; tỷ lệ nợ xấu sẽ đưa về mức dưới 3%. Ngoài ra, MBBank, Techcombank... cũng là những ngân hàng được dự báo sẽ có đột phá về lợi nhuận trong nửa đầu năm 2018, cũng như khả năng vượt chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm, khi đã đạt kết quả kinh doanh khả quan từ quý đầu năm.
Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế phân tích, ngoài hoạt động chính là tín dụng, lợi nhuận mà các ngân hàng thu về còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chi phí hoạt động, trích lập dự phòng rủi ro, thu hồi nợ xấu... Để giảm phụ thuộc vào tín dụng, các ngân hàng cần tiếp tục nâng tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ trong tổng nguồn thu của ngân hàng lên khoảng 20-40%, thay vì ở mức 10-15% như hiện nay.
Theo báo cáo của các TCTD, lãi suất trên thị trường tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư tương đối ổn định. Lãi suất huy động VND dao động ở mức 4,2%-8% (lãi suất huy động bình quân khoảng 5,2%). Lãi suất cho vay VND ở mức 7-11%, lãi suất cho vay USD ở mức 2,4-7% (lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,8%). Một số ngân hàng giảm lãi cho các lĩnh vực ưu tiên và khách hàng tốt, mức giảm khoảng 0,5%.
Theo MINH PHƯƠNG (Báo Tin tức)