Lòng tri ân nào dễ phôi phai

19/11/2021 - 06:09

 - Ngày 20-11-1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, 20-11 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh người làm công tác giáo dục, “ngày Tết” của người thầy, ngày mà cả xã hội cùng nêu cao tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay diễn ra trong không khí trực tuyến, với các hoạt động họp mặt nhỏ gọn. Ngày hiến chương có lẽ sẽ vắng hoa, vắng quà, vắng không khí nhộn nhịp, vui tươi ngày trước. Thầy cô giáo đón nhận lòng tri ân của xã hội bằng nụ cười hạnh phúc sau lớp khẩu trang. Trừ những khác biệt ấy, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân dành cho ngành giáo dục vẫn vẹn nguyên. Dù đang là học sinh, hay đã trưởng thành, công tác ở bất kỳ lĩnh vực nào, ở độ tuổi nào, mọi người luôn hướng đến ngày 20-11 với tình cảm trân quý nhất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, gần 2 năm qua, toàn ngành giáo dục khắc phục khó khăn, biến nguy thành cơ. Đại dịch được xem là “cú hích” để thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục để tăng khả năng thích ứng hoàn cảnh, nhất là quản lý rủi ro. Đây còn là cơ hội để ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, là tiền đề cho nhiều lĩnh vực khác, tác động lớn đối với sự phát triển đất nước, cả trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó là nỗ lực của học sinh, phụ huynh, những người đồng hành với giáo viên trong những tháng ngày trắc trở, hướng đến mục tiêu “dừng đến trường chứ không dừng học”. Sự tri ân thầy cô biến thành hành động cụ thể, thiết thực: khắc phục mọi bất tiện, vướng mắc để những tiết học online được tròn trịa, để cái chữ được gieo trồng, sinh trưởng. Sự tri ân hòa quyện trong sự chia sẻ, thấu hiểu và yêu thương giữa “kiềng ba chân” - nhà trường, thầy cô và học sinh. Dẫu thăng dẫu trầm, nhưng lòng tri ân nào dễ phôi phai!

VẠN LỘC