Lớp học nghề miễn phí

17/10/2024 - 05:40

 - Giữa trung tâm thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân) có một lớp học đặc biệt. Học viên thuộc mọi lứa tuổi, hoàn cảnh, trình độ… Ở đây không cứng nhắc quy định về giờ giấc, tiết học, mà tạo điều kiện tối đa cho học viên rảnh lúc nào thì vào học lúc đó. Kiến thức, kỹ năng tích góp dần theo sự cố gắng của từng người, thầy hướng dẫn cũng tận tình “cầm tay chỉ việc” đến khi người học thành thạo. Đó là lớp nghề sửa điện dân dụng của ông Đặng Nhứt Tâm, Phó Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Phú Mỹ tổ chức.

Lớp dạy nghề điện dân dụng của ông Tâm

Lớp học khởi động hơn 1 tháng nay, hiện có gần 20 học viên từ già đến trẻ và đa số thuộc diện hộ nghèo, lao động thu nhập thấp. Ông Đặng Văn Tiền đến đây học gần nửa tháng, đã thực hành được 90% kỹ thuật. Từ nay, ngoài nghề buôn bán nhỏ, ông có thể tận dụng thêm nghề sửa điện dân dụng giúp bà con trong xóm và kiếm thêm thu nhập. Ông Tiền cho biết, thoải mái nhất là đến lớp học không nặng nề giờ giấc, nên tranh thủ lúc rảnh đều có thể ghé, có hôm chỉ học được 1 - 2 tiếng, thầy giáo vẫn nhiệt tình hướng dẫn. Ông dự tính sẽ gắn bó lâu dài với lớp, ngoài nghề đã được học, ông sẽ phụ giúp chỉ dẫn cho học viên mới, vì đây là lớp truyền nghề miễn phí, rất được bà con ủng hộ.

Em Đặng Trí Tòng cũng là học viên mới đến lớp thời gian ngắn, nhưng thạo nghề khá nhanh. Tòng mới 14 tuổi, không còn đến trường phổ thông, nên rất quyết tâm học nghề để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Cậu bé kể, ba đang làm cơ khí, mẹ ở nhà nộ trợ, chỉ có đứa em còn đi học nên rất nóng lòng được sớm ra nghề. Ở đây, ông Tâm dạy tận tình, hỗ trợ dụng cụ thực hành cho những người hoàn cảnh khó khăn, lo luôn chuyện ăn 3 bữa trong ngày. Không cần nhắc nhở, không có nội quy, mà ai cũng chăm chỉ học và cố gắng từng ngày. Người học trước chỉ dẫn cho người đến sau, lứa tuổi nào cũng tập tành từ lạ thành quen.

Ông Đặng Nhứt Tâm cho biết, trước đây ông từng làm qua nhiều nghề để mưu sinh, nên rất rành chuyên môn cơ khí, hàn tiện, sửa chữa đồ điện… Ngẫm nghĩ trong số các nghề thì sửa điện dân dụng dễ truyền đạt nhất, vì kiến thức đơn giản, chú trọng thực hành, phù hợp nhiều đối tượng. Vậy là ông quyết định mở lớp học miễn phí, chiêu sinh không phân biệt đối tượng. “Nghe chuyện mở lớp, tôi cũng lo lắng lắm, vì không có kinh phí, chưa có lớp học nào để xem cách tổ chức ra sao… Nhưng thấy ý nguyện tốt, nên tôi hết sức ủng hộ chồng. Chúng tôi thống nhất bỏ tiền túi để mua đồ nghề, vật dụng mở lớp. Hàng ngày, tôi phụ nấu nướng, phục vụ các bữa ăn cho bà con đến học. Miễn sao giúp được người nghèo có điều kiện học nghề, có kế sinh nhai, lại có đồ để tặng cho người nghèo là mừng lắm rồi” - bà Lê Thị Ngọc Xứng (vợ ông Tâm) bày tỏ.

Trong lớp học, ông Tâm bố trí bàn ghế đầy đủ. Ban đầu, các món đồ để dạy được ông mua từ kho phế liệu. Ông dạy chủ yếu là sửa quạt, nồi điện, ấm siêu tốc, bếp gas… Thường lệ, lớp dạy từ 8 giờ sáng đến 16 giờ chiều, suốt các ngày trong tuần. Tuy nhiên, ngày nào ông Tâm cũng ghé rất sớm, vì có những học viên nghèo, tranh thủ học chỉ 1 - 2 tiếng rồi đi làm thuê; hết giờ làm, họ lại ghé lớp. Ông hết sức tạo điều kiện, món nào đang sửa dang dở sẽ để riêng một góc cho người học quay lại tiếp tục thực hành. “Tôi mong mỏi nhất là học viên tìm đến lớp này sẽ học được tay nghề vững chắc và có cái tâm. Khi ra nghề, họ làm việc chất lượng, đúng giá và từ hiệu ứng của lớp này, nếu cộng đồng ủng hộ có thể nhân rộng nhiều lớp học khác, phát triển ngành nghề phù hợp tại địa phương cho người lao động tham gia” - ông Tâm chia sẻ.

So với những người học bài bản, thực hành trên đồ đạc bỏ đi là yêu cầu rất khó với học viên, bởi hầu hết đều hư nát. Mỗi món đồ sửa chữa hoàn thiện sẽ được trưng bày tại lớp, hộ nghèo nào cần có thể đến lựa chọn lấy về theo sở thích, không tính tiền. Những học viên hoàn cảnh khó khăn, tự mua lại các món đồ hư, sau khi sửa xong được đem về nhà trưng bán, đổi lại chút thu nhập và làm quen dần với khách hàng. Ông Tâm còn dự tính sẽ dành tặng bộ đồ nghề cho học viên có hoàn cảnh khó khăn để khởi nghiệp. Hơn 1 tháng qua, thành phẩm từ lớp học này đã tặng khoảng 60 cây quạt cho những người nghèo đang cần.

Ngoài những người học chăm chú thực hành, “khách hàng” cũng góp phần cho không khí xôm tụ vì ra vào liên tục. Học viên được dạy nghề miễn phí, khách đem đồ đến sửa cũng miễn phí, nên ai cũng thích ghé đây là lẽ thường tình. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng (ngụ khóm Thượng 3) cho biết, có nhiều người chỉ đến chỗ này để được sửa đồ điện, vừa không tính tiền, vừa có dụng cụ cho người học thực hành, ai cũng thích. Bà Lê Thị Vén (hộ nghèo ở địa phương) sau khi được sửa nồi cơm điện miễn phí không khỏi vui mừng. Với nhiều người, đồ đạc hư hỏng thì mua cái mới rất dễ dàng, còn với bà, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Chưa kể, một số món đồ tuy cũ, nhưng với người già là kỷ vật không nỡ vứt bỏ, có thể sửa để tiếp tục sử dụng là điều rất trân quý!

Ở thị trấn Phú Mỹ, nhiều người biết đến ông Đặng Nhứt Tâm qua sản phẩm bánh ngũ cốc dinh dưỡng được công nhận đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao năm 2023. Ông còn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp huyện, tỉnh. Với sự mẫu mực trong đời sống, chí thú làm ăn, xây dựng gia đình ấm no và đóng góp tích cực cho xã hội, năm 2024 gia đình ông Tâm còn được chọn là gia đình tiêu biểu dự Liên hoan Gia đình hạnh phúc cấp tỉnh.

MỸ HẠNH