Lưu giữ cá tra bố mẹ phục vụ cộng đồng

13/09/2022 - 06:58

 - Ngành hàng cá tra Việt Nam hơn 20 năm qua đã chứng kiến biết bao thăng trầm. Nhiều người giàu lên nhờ con cá, nhưng cũng không ít người phá sản vì chúng. Sự khốc liệt của ngành hàng này là vậy. Song ở xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu), có 1 nông dân vẫn luôn đam mê, đeo đuổi nghề sản xuất cá giống, lưu giữ gần 20 tấn cá tra bố mẹ. Chờ thị trường cá tra phục hồi, ông sản xuất con giống để phục vụ cộng đồng.

Ông chính là Trần Văn Hoàng (Ba Hoàng), Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang, Chi hội trưởng Chi hội nghề cá Hoàng Thành. 75 tuổi, ông gắn bó với nghề vớt cá tra bột trên sông 60 năm. Hàng năm, khi con nước dưới sông chuyển màu từ trong sang đục, cũng là mùa làm ăn chính của ông. “Khi Việt Nam xuất khẩu thành công cá tra, cá basa sang thị trường Hoa Kỳ thì ở ĐBSCL cá tra giống bị thiếu hụt trầm trọng. Vớt cá tra bột trên sông, bán cho hộ nuôi cá thịt trở thành nghề hái ra tiền. Lúc này, tôi thành lập trang trại chuyên sản xuất cá tra giống” - ông Ba Hoàng chia sẻ.

Năm 1986, thời điểm Việt Nam mở cửa làm ăn với thế giới, doanh nghiệp An Giang xuất khẩu thành công lô hàng cá tra, cá basa đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Năm ấy, xuất khẩu cá tra được mùa, giá xuất 1kg phi-lê thành phẩm lên đến 5-6 USD. Người nuôi cá tra, basa trong tỉnh nhanh chóng giàu lên. Nghề sản xuất giống cá tra cũng phát triển, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang quy mô công nghiệp.

Sự kiện mang tính bước ngoặt trong ngành hàng này là việc cho cá tra sinh sản nhân tạo. Thành công này mở ra triển vọng vô cùng to lớn đối với ngành hàng cá tra Việt Nam. Ngư dân trong tỉnh đã chủ động được con giống, không còn phụ thuộc vào thiên nhiên. Kim ngạch xuất khẩu cá tra từ vài trăm ngàn USD tăng lên 2,2 triệu USD năm 2018. Cá tra trở thành một trong những ngành hàng kinh tế chủ lực của đất nước, giải quyết việc làm ổn định cho trên 2 triệu lao động.

Ông Ba Hoàng bên trang trại của mình

Trong dấu ấn ấy, ông Ba Hoàng là một trong 5 ngư dân đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu, áp dụng cho cá tra sinh sản nhân tạo thành công. Với trang trại rộng 3ha, hàng năm ông cung cấp ra cộng đồng hàng trăm triệu con giống khỏe, sạch bệnh. Tập đoàn đi đầu trong thực hiện chương trình giống cá tra 3 cấp, như: Tập đoàn Nam Việt, Tập đoàn cá tra Việt - Úc… đều đến trang trại của ông Ba Hoàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời “chia lại” cá tra bố mẹ, con bột, con giống mang về làm cá bố mẹ đầu dòng trong sinh sản nhân tạo.

Đam mê nghề nuôi cá, chứng kiến cảnh thăng trầm của ngành hàng cá tra, ông Ba Hoàng bao phen “lên bờ, xuống ruộng”. Những lúc quá khó khăn, tưởng chừng ông không thể lưu giữ được đàn cá bố mẹ, bởi chi phí hàng tháng phải bỏ ra quá cao (khoảng 30 triệu đồng). Lúc đó, ông lập tức đa dạng hóa đối tượng làm giống, chuyển sang nghiên cứu sản xuất giống cá lăng nha, chạch lấu và các loài thủy sản có giá trị để tìm thu nhập, mua thức ăn lưu giữ đàn cá tra giống.

Thăm khám cá bố mẹ trước sinh sản nhân tạo

“Tôi phải làm thêm con giống khác để có tiền mua thức ăn cho cá. Nhờ cách làm đó, đến nay tôi lưu giữ được đàn cá tra bố mẹ gần 20 tấn” - ông Ba Hoàng bày tỏ. “Ông Ba Hoàng không giấu nghề. Cá giống của ông là cá khỏe, tỷ lệ sống rất cao, nhờ đó mà chúng tôi nuôi thành cá thịt rất thành công. Chúng tôi có được ngày hôm nay là nhờ “theo chân” ông Ba Hoàng” - bà Lưu Thị Bé Bảy (ngụ xã Long Giang, huyện Chợ Mới) khẳng định.

Thành công trong việc cho cá tra giống sinh sản nhân tạo năm 1999, hơn 10 năm sau, ông được Khoa Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) chọn đưa đi Thái Lan, Ấn Độ để tiếp tục học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với nông dân ở các quốc gia này. Sau chuyến đi, ông hoạch định chiến lược phát triển trang trại của mình, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ chương trình ương giống cá tra. Ông cho 2 người con thi vào Trường Đại học Thủy sản Nha Trang và Trường Đại học Cần Thơ, tiếp tục tích cóp kiến thức, mang về ứng dụng cho trang trại của gia đình.

Chiến lược của ông Ba Hoàng đã thành công. Giờ đây, nhiều trang trại ương giống đã phá sản hoặc đứng bên bờ vực thẳm, còn ông thì vẫn lưu giữ được đàn cá tra bố mẹ gần 20 tấn, chờ cơ hội để tiếp tục phục vụ cộng đồng.

“Việc ông Ba Hoàng lưu giữ được đàn cá tra bố mẹ mang một ý nghĩa rất lớn đối với ngành hàng thủy sản của tỉnh và khu vực. Bởi khi thị trường xuất khẩu tăng trở lại, chúng ta sẽ chủ động được con giống, cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp, người nuôi, làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Việc lưu giữ đàn cá bố mẹ với số lượng lớn không phải dễ. Đây là việc làm rất đáng khen ngợi. Ông là nhân tố đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành hàng cá tra Việt Nam” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm nhận định.

MINH HIỂN