Màu xanh dân quân trên chốt biên giới

25/01/2021 - 15:37

 - Hiện nay, nhiều lực lượng đã được tăng cường thực hiện nhiệm vụ trên toàn tuyến biên giới An Giang. Trong đó, có sự tham gia của những người lính áo xanh không mang quân hàm – lực lượng Dân quân tự vệ. Họ có mặt ở các chốt phòng, chống dịch COVID-19, hoặc ở chốt dân quân thường trực, cùng nỗ lực giữ vững bình yên cho biên giới. Phóng viên ghi nhận một số hình ảnh về lực lượng này vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tính đến ngày 14-1, trên tuyến biên giới tỉnh An Giang đã tăng thêm 41 chốt, tiếp nhận 600 đồng chí (gồm Bộ đội Biên phòng, Công an, Dân quân, đoàn viên thanh niên) ra các tổ chốt phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện, An Giang đang duy trì thường xuyên 177 tổ, chốt (166 chốt cố định và 11 tổ lưu động) với hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng tham gia. Tại chốt phòng, chống dịch COVID-19 số 15 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên), trong 9 cán bộ, chiến sĩ phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ, có 4 đồng chí dân quân tự vệ. Họ đều đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên), vừa được tăng cường ra chốt vào tháng 1 vừa qua.

Chốt số 15 bao gồm một nhà sàn vượt lũ và một tổ lưu động, được đặt trên đường mòn dân sinh. Nhiệm vụ của họ là phối hợp kiểm soát người qua lại biên giới, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường tai mắt, hạn chế tình trạng người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Trong khi đó, tại chốt dân quân thường trực (Ban Chỉ huy Quân sự xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên), các đồng chí dân quân lại bắt đầu ngày mới bằng việc sắp đặt nội vụ gọn gàng. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Viên, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, từ năm 2015, UBND tỉnh đầu tư xây dựng các chốt dân quân trên toàn tuyến biên giới. Mỗi chốt đều được đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt, công tác, chiến đấu cho lực lượng dân quân.

Tranh thủ giờ rảnh rỗi, các anh ngồi trò chuyện, chia sẻ công việc hoặc đọc báo nắm bắt tin tức thời sự. Gắn bó với nhau nhiều năm, họ thân thiết, xem nhau như người thân trong gia đình. Họ động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao, quyết tâm giữ vững biên giới theo chức trách của mình.

Đối với các địa bàn biên giới trọng điểm, trách nhiệm bảo vệ biên giới được đặt lên hàng đầu. Phần lớn thời gian trong ngày, lực lượng trực tại chốt, quan sát, kiểm soát tình hình trên địa bàn phụ trách. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập luyện phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chốt. Vào bất kỳ thời điểm nào, ngay sau khi có hiệu lệnh của chỉ huy, toàn bộ lực lượng bắt đầu tập hợp, lấy vũ khí được trang bị cho từng cá nhân, tiến hành buổi tập luyện.

Từng đồng chí cơ động ra vị trí sẵn sàng chiến đấu trong hệ thống công sự. Mọi động tác phải được thực hiện nhanh, gọn, chuẩn xác và đảm bảo đúng phương án đã đề ra.

Các chốt dân quân chiến đấu trên tuyến biên giới có nhiệm vụ sẵn sàng xử trí các tình huống cần thiết, là chỗ dựa bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. Thời gian qua, việc xây dựng và hoạt động ở các chốt mang lại hiệu quả lớn, góp phần hoàn thành công tác Quân sự - Quốc phòng ở địa phương; giữ vững chủ quyền biên giới.

Dù bám trụ ở chốt nào, những người lính không mang quân hàm vẫn phải nỗ lực làm tròn nhiệm vụ được giao, cùng “vượt nắng thắng mưa”. Hiểu được sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ ở chốt, lãnh đạo các đơn vị, địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần từng người. “Cuộc chiến” chưa có ngày kết thúc, thì họ càng phải nâng cao tinh thần, khắc phục khó khăn, bám trụ nơi biên giới.

Giáp Tết, nhiều hoạt động Tết Quân – dân 2021 được tổ chức sôi nổi ở nhiều địa phương. Cán bộ, chiến sĩ nói chung, lực lượng dân quân nói riêng cũng được hòa trong không khí ấm áp của tình quân dân, được trải nghiệm “ăn Tết sớm” trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Khi chúng tôi đến xã Khánh Bình, huyện An Phú, cán bộ, chiến sĩ chốt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 số 31 (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình) đang trải nghiệm mùa Tết khác biệt với những năm trước. Lần đầu tiên, họ đón Tết ở tổ chốt trên biên giới, với cờ Đảng, cờ Tổ quốc, với ảnh Bác Hồ và mâm trang trí đơn sơ.

 Tuy vậy, niềm vui của họ là trải nghiệm thời khắc năm hết Tết đến cùng nhau, hòa quyện những màu áo xanh, cùng cộng đồng trách nhiệm canh gác ngày đêm cho người dân được hưởng năm mới yên bình.

GIA KHÁNH