
Vịt được chở bằng xe đến các cánh đồng lúa mùa gặt
Chạy đồng theo mùa gặt
Thấp thoáng trên cánh đồng xã Vĩnh Tế (TP. Châu Đốc) có những căn chòi bạt dựng tạm bợ của người nuôi vịt chạy đồng. Căn chòi ấy giống như “nhà di động”. Khi thì cắm cọc trên đê nương náu qua đêm, lúc thì di chuyển tuốt trong gò cao của cánh đồng... Nền chòi làm rất đơn sơ, được lót độn bằng rơm rạ khô mới gặt. Bên trong căn chòi, nóp, võng dù, nồi, niêu, xoong chảo chất tứ tung. Ngoài sân trước là chuồng vịt được bao bằng lưới ny-lon rất chắc chắn, ngăn vịt xổng ra ngoài. Bước lại gần chuồng vịt, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Ấy vậy mà, quanh năm người chăn vịt phải ngủ nghỉ trong không gian này, riết cũng quen.
Nhìn dưới đồng sâu, những đàn vịt mỏ vàng đang cặm cụi tìm rỉa hạt lúa còn sót lại do máy gặt đập liên hợp đánh văng xuống nền ruộng. Rong ruổi trên đường, chúng tôi bắt gặp ông Bảy Lành đang lùa đàn vịt từ trên xe xuống ruộng. Gặp xe chạy ngang, chúng ầm ào vỡ đàn. Ông Bảy Lành nói, đồng Vĩnh Tế đang bơm nước vào trục trạc đất, là thời điểm lý tưởng để đàn vịt tìm thức ăn trên đồng. Cạnh đó là chuồng vịt của anh Tuấn với hàng ngàn con vịt đẻ. Xế trưa, anh ngồi nép vào bóng cây tránh nắng như chảo lửa. Trông về đàn vịt đang ăn trên đồng, anh Tuấn kể, mình đã hơn 25 năm trong nghề. Nhờ vậy, anh có đồng vô đồng ra chăm lo gia đình.
Đã 40 tuổi, anh Tuấn chưa có mảnh tình “vắt vai”. Có lẽ, do gia cảnh khó khăn, phải lo chăn vịt ngoài đồng xa, ít quen biết ai nên anh chưa tính đến chuyện “thành gia lập thất”. Bao nhiêu năm gắn bó với cái nghề “muốn nghèo nuôi vịt” này, cũng là ngần ấy thời gian anh nếm trải bấy nhiêu cay đắng. “Hôm nay cắm trại chỗ này, ngày mai lùa vịt sang nơi khác. Ban ngày đội nắng, đội mưa, ban đêm ngủ ngoài trời bầu bạn với trăng, sao, mây, gió… Hai bàn tay, bàn chân luôn bị nước ăn và phèn đỏ quạch. Mặc dù nghề nuôi vịt chạy đồng lắm cơ cực, nhưng bù lại, tôi thu hoạch nguồn trứng vịt khá ổn định. Ông bà xưa nói, “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, nhưng nay nuôi vịt đỡ hơn trước. Giá 2.000 đồng/hột, lái vịt đến tận đồng thu mua mà không đủ để bán” - anh Tuấn hồ hởi.
Nghề lắm gian truân
Đời chăn vịt chạy đồng y như những lãng tử du ca, rày đây mai đó, rất cơ cực. Khi đồng nhà hết mùa lúa chín thì họ thuê tàu xe, hối hả chở đàn vịt sang tận đồng xa. Lúc thì xuôi về Kiên Giang, rồi chạy ngược qua Đồng Tháp. Khi nghe bạn bè thông tin có cánh đồng lúa đang “cong trái me”, họ rong ruổi xuống tận “đồng chó ngáp” ở Bạc Liêu, Cà Mau để chạy vịt. Chục năm trước, mỗi lần nông dân gặt lúa xong thì người chăn vịt có quyền tận hưởng “lộc trời”, thả vịt “ăn phơi trắng” mà không tốn chi phí mua mặt bằng. Giờ đây, chủ đất biết được nguồn lợi béo bở này, nên ấn định luôn giá cả trên mảnh ruộng của mình.
Cánh đồng huyện Tân Hiệp và huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) bạt ngàn. Nông dân thu hoạch xong, lúa rơi vãi khắp ruộng. Đây là nguồn thức ăn vô tận đối với đàn vịt chạy đồng. “Lùa vịt vào ruộng thì phải đóng phí 50.000 đồng/công, giá này do chủ đất quy định từ trước. Với 3.500 con vịt, tôi phải mua “địa bàn” từ 10 - 20 công ruộng, tốn chi phí 1 triệu đồng” - anh Tuấn cho hay. Theo kinh nghiệm lâu năm của anh, để vịt đẻ sai, trứng to, bán được giá cao, khâu quan trọng nhất là phải bồi bổ cho vịt bằng cách bơm nước từ kênh lên ruộng, dùng lưới “cắm nò” xung quanh, không cho vịt đi lan man trên đồng. “Từ cách làm độc đáo này, trên mặt ruộng sẽ xuất hiện rất nhiều côn trùng, cua, ốc, ếch, nhái… đàn vịt có nguồn thức ăn phong phú. Đêm xuống, đàn vịt “rớt hột” nhiều vô kể” - anh Tuấn bật mí.

Lùa vịt chạy đồng dưới kênh
Nghề nuôi vịt chạy đồng kéo theo hàng loạt nghề làm ăn khác, như: Buôn vịt thịt, lái thu mua trứng vịt, ấp vịt, dịch vụ chở thuê, dịch vụ thú y, chợ di động… Ông Năm Tỷ (68 tuổi, một tay nuôi vịt chạy đồng “cự phách” ở cánh đồng này) nói rằng, nghề nuôi vịt chạy đồng ở An Giang rất mạnh, đi đâu cũng gặp dân quê mình nuôi vịt chạy đồng. Nhưng chủ yếu là nuôi tự phát. Người nuôi ít nhất 2.000 con, nhiều thì hàng chục ngàn con. Mỗi lần lùa vịt chạy đồng vui nhộn cả khúc kênh. Từ đó, người dân đã cho “ra lò” nhiều cái nghề tiện lợi, có thu nhập ổn định.
Từ lâu, nuôi vịt chạy đồng chủ yếu phụ thuộc vào thị trường, nên thu nhập bấp bênh. Nếu năm nào nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh thì giá trứng vịt lên ngôi, và ngược lại. Thậm chí, lái vịt tự thao túng, triệt buộc thị trường, nói giá bao nhiêu thì người nuôi vịt bán nhiêu, không dám mặc cả. Để vịt chạy đồng đẻ trứng sai, người nuôi vịt phải biết thời điểm nào thay lông (bứt lông cánh), thúc vỗ béo cho chúng. Nếu không thay lông thì đàn vịt sẽ bị “chai”, lượng trứng thu hoạch ít dần, thậm chí vịt không đẻ nữa.
Theo kinh nghiệm của ông Năm Tỷ, muốn nuôi vịt hiệu quả, 1 năm phải thay lông 3 đợt, mỗi đợt 20 ngày. Như vậy, mỗi năm vịt đẻ trứng khoảng 10 tháng. Nuôi được 3 - 4 năm, chủ nuôi sẽ xuất bán cả đàn cho lái làm thịt. Sau đó, người nuôi mua vịt con về vỗ béo 6 tháng là cho thu hoạch trứng. Nuôi vịt chạy đồng mê nhất là thời điểm trứng lên giá. Năm nào trứng tuột giá, người nuôi buồn méo mặt.
Nghề nuôi vịt chạy đồng mấy ai giàu có, quanh năm cơ cực sớm hôm trên đồng vắng. Đêm về, họ mơ về mái nhà thật giản đơn, ở đó có tiếng cười nói trong trẻo của trẻ thơ, bên mâm cơm chiều tà ấm áp.
LƯU MỸ