Đầu tháng 11/2024, tòa soạn Báo An Giang nhận được lá thư viết tay của một độc giả đặc biệt – cựu chiến binh Phạm Nguyên Ngọ (ngụ phường Bình Đức, TP. Long Xuyên). Đã 78 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, ông vẫn dành hết tâm lực cho quê hương, cho cuộc sống muôn màu quanh mình. Ông khẳng định: “Bất kể là ai sống trên mảnh đất An Giang đều xúc động, tự hào về truyền thống, về bề dày lịch sử, giàu lòng yêu nước và cách mạng, vùng đất địa linh nhân kiệt… Mỗi người đều thấy phải có trách nhiệm phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo; khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương An Giang ngày càng văn minh, giàu đẹp”.
Ông gửi ít dòng thơ bày tỏ một phần cảm xúc của mình, mong tòa soạn tạo điều kiện chia sẻ với độc giả Báo An Giang. Bài thơ mang tên “Tự hào truyền thống quê hương An Giang”, khẳng định: “Thời gian tựa một giấc mơ/ Từ khi có Đảng, Bác Hồ… đến nay/ An Giang thay đổi từng ngày/ Anh dũng chiến đấu, diệt bầy xâm lăng/ Cần cù lao động, thủy chung/ Đoàn kết, nhân ái, tấm lòng vị tha/ Đổi mới cuộc sống thăng hoa/ Thành tựu đạt được thật là lớn lao/ Huân chương cao quý được trao/ Trong lòng xúc động, tự hào dâng lên/ Niềm tin, khát vọng vững bền/ Đổi mới, phát triển, quê hương mạnh giàu…”.
Những “huân chương cao quý được trao” là hàng loạt phần thưởng Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương thành tích xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Giang, như: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. “Những thành tựu tỉnh An Giang đạt được là kết tinh của truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân. Đó là niềm tin, khát vọng, tự hào của người dân An Giang về quê hương mình” - cựu chiến binh Phạm Nguyên Ngọ bày tỏ bằng nét chữ viết tay rắn rỏi.
Niềm tự hào của một người dân gắn bó sâu nặng với An Giang hoàn toàn có cơ sở. Lịch sử ghi nhận, trong những năm tháng chiến tranh, vùng đất và con người An Giang anh dũng, kiên cường, bất khuất đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam kết thúc, năm 1980, Tỉnh ủy có nhiều chủ trương sáng tạo, phù hợp lợi ích của người dân, giúp giải phóng sức sản xuất, tạo bước ngoặt quan trọng cho sản xuất nông nghiệp phát triển mới. Vùng đất nhiều hoang hóa nhanh chóng phục hồi, phát triển; nông dân bội thu trong sản xuất, đời sống nâng lên rõ rệt.
Chính những chủ trương, chính sách linh hoạt, đúng đắn, sáng tạo, mang tính đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Từ tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực, đến năm 1988, sản lượng lúa của An Giang vượt qua mức 1 triệu tấn; đến năm 1994 vượt mức 2 triệu tấn và hiện nay đạt trên 4 triệu tấn. An Giang trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực, trung bình mỗi năm xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Đánh dấu 192 năm thành lập, An Giang nỗ lực, phấn đấu đưa kinh tế - xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng nhiều lĩnh vực so cùng kỳ 2023. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh 10 tháng của năm 2024 ước tăng 10,02%; ước doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 191.975 tỷ đồng, tăng 16,4%. CPI bình quân tăng 4,66%...
Chuỗi hoạt động hướng về 192 năm Ngày thành lập tỉnh (22/11/1832 - 22/11/2024) cũng là “hồi trống cổ vũ” Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà thi đua hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 ở mức cao nhất; chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho năm mới 2025. Nhiều đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, triển lãm, thi tìm hiểu lịch sử… để khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương An Giang; biến niềm tự hào ấy thành động lực lao động sản xuất, công tác và học tập, chung tay xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh. “Thế hệ trẻ chúng tôi trân trọng biết ơn công lao các bậc tiền nhân. Để có được quê hương thanh bình như ngày nay, là xương máu của các thế hệ đi trước. Chúng tôi quyết tâm cống hiến sức mình để cùng nhau xây dựng quê nhà” - chiến sĩ Nguyễn Tấn Phát (Ban Chỉ huy Quân sự xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) bày tỏ.
Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao.. |
GIA KHÁNH